Vợ chồng mới cưới: Bạn quản lý tiền thế nào?

Sau các bài các xét nghiệm cần làm trước khi mang thai, và cần tiêm chủng gì trước khi bầu, thì mình xin tiếp tục loạt bài về hôn nhân gia đình này với đề tài quản lý tiền nong, hehe. Mình thấy cách hiện tại bọn mình đang áp dụng khá ổn, tuy nhiên không dám nhận là nó hoàn hảo, nên mình chia sẻ thôi, và cũng rất tò mò muốn biết ở các gia đình khác thì vợ chồng quản lý tiền riêng, tiền chung như thế nào.

1. Tiền anh, tiền tôi

Trước khi cưới mình cũng dành thời gian nghiên cứu xem cách tối ưu nhất để quản lý tiền nong của vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ mới cưới (chưa chung sống cùng ai bao giờ, chưa có con, nhiều khoản cần tiết kiệm) như thế nào. Mình cũng Google và tham khảo xem các bạn Tây làm thế nào, nhưng đều chưa đưa ra được phương án hợp lý (chắc chưa nghiên cứu nghiêm túc). Các câu hỏi là có nên lập tài khoản chung hay không, nếu lập thì ai giữ, chi tiêu khoản riêng thế nào, nếu không lập thì chi tiêu các khoản chung thế nào. Có phương án là đổ hết thu nhập vào một tài khoản chung, một tháng phát cho mỗi người một khoản X nhất định để tiêu riêng. Tuy nhiên cũng không ổn vì vợ chồng mình có nhu cầu chi tiêu khác nhau (mình phải mua quần áo, đồ make up, dưỡng da, dầu gội, v…v… dĩ nhiên cần nhiều hơn rồi), và lương cũng khác nhau, mà phát một mức bằng nhau e không ổn. Cuối cùng khi mình về VN và vợ chồng bắt đầu sống chung, phương án lại đến một cách rất tự nhiên. Cơ bản đó là:

LẬP MỘT TÀI KHOẢN CHUNG, MỖI THÁNG TIỀN LƯƠNG NỘP VÀO THEO %, ĐƯỢC GIỮ PHẦN CÒN LẠI ĐỂ TIÊU RIÊNG

Cụ thể:

  • Tạo một tài khoản tại ngân hàng, đó có thể là ngân hàng hiện tại của hai người hoặc một ngân hàng mới, đối với bọn mình thì tài khoản chung làm luôn ở ngân hàng mà bọn mình vay mua nhà trả góp. Mở tài khoản ở ngân hàng đang được trả lương thì tiện hơn, hàng tháng đỡ mất phí chuyển tiền, nhưng hình như một số ngân hàng không cho phép một người có hai tài khoản.
  • Một người đứng ra mở tài khoản, người kia đăng ký làm thẻ phụ (có thể quẹt thẻ, rút tiền tại ATM, nhưng không làm được các thao tác khác). Theo mình biết hiện tại ở VN không có hình thức đồng sở hữu tài khoản, hoặc ít nhất là mấy ngân hàng mình hỏi đều không có. Làm thẻ phụ sẽ giúp cho việc chi tiêu được linh hoạt hơn, cả hai đều có thể tiêu tiền mà không nhất thiết phải có sự có mặt của người kia hoặc phải trao đổi thẻ qua lại.
  • Hàng tháng nộp tiền vào tài khoản chung theo phần trăm lương. Mỗi tháng bọn mình sẽ quy định tháng này nộp bao nhiêu vào tài khoản chung, dao động khoảng từ 70 – 90%, phần còn lại bọn mình được tiêu cho các nhu cầu riêng. Việc nộp theo % này mình thấy là công bằng nhất, vì lương không phải bằng nhau, bắt nộp cố định một khoản sẽ khó cho người lương ít. Hoặc nộp hết rồi phát cố định một khoản để tiêu riêng cũng không ổn, vì sẽ không có động lực để cố gắng kiếm nhiều tiền hơn. Vì vậy bọn mình quyết định nộp theo %, người làm nhiều hơn thì vẫn được giữ phần nhiều hơn để tiêu. Ai cũng vui vẻ.
  • Quy định mức nộp theo nhu cầu chi tiêu của tháng. Các tháng mà cần chi tiêu chung lớn, mức % nộp vào sẽ cao hơn. Các tháng từng thành viên có nhu cầu chi tiêu riêng một khoản lớn nào đó, cũng có thể giảm mức này.
  • Khoản nào chung, khoản nào riêng? Tất cả các chi tiêu mà hai người đều hưởng lợi đều là khoản chung: ăn uống, mua sắm cho nhà cửa, chi tiêu cho gia đình hai bên, chi tiêu cho mèo, du lịch, các hoạt động thể thao cả hai cùng tham gia v…v… Mình mua quần áo, son phấn, đi spa, đi gội đầu thì mình tự trả. Chồng mua điện thoại, đi đánh cầu lông, đá bóng thì chồng tự trả. Thỉnh thoảng có những khoản chi lớn như chồng mua bộ suit chẳng hạn, quỹ chung có thể hỗ trợ, nhưng đó là case by case 😀

2. Quản lý chi tiêu

Đó là việc chia tiền. Còn việc quản lý chi tiêu hàng tháng thế nào? Bọn mình dùng app Money Lover là một app quản lý tiền khá ổn. Tạo một shared wallet chia sẻ giữa hai tài khoản, quỹ chung tiêu gì thì chồng và vợ đều có thể tự nhập vào. Chi tiêu gì cũng phải nhập thì mới có ý nghĩa. Rất may là cả hai bọn mình đều không ngại việc này, cho dù vài trăm đồng thì cũng phải nhập, bởi vì nếu không nhập đủ cuối tháng so số tiền trong app và số tiền thực tế sẽ không khớp nhau. Thật ra việc không khớp nhau là gần như không thể tránh khỏi, vì có cả tiêu tiền mặt lẫn tiêu thẻ, chưa kể thẻ tín dụng. Cuối mỗi tháng bọn mình ngồi lại với nhau để adjust balance, tức là cân đối khoản lệch đó, cố nhớ xem đã tiêu gì mà quên ghi vào app, nếu không nhớ được thì coi như là mất một khoản tiền (write off). Đó cũng là lúc để xem lại mỗi tháng đã tiêu những gì, ăn uống nhiều quá thì tháng sau giảm bớt lại chẳng hạn.

À, nói thêm mình là người giữ quỹ. Tuy nhiên ai giữ cũng không quá quan trọng vì cả 2 đều có thẻ, có thể tiêu tiền quỹ bất cứ lúc nào. Tiêu gì cũng ghi vào app nữa. Nên việc ai giữ “tay hòm chìa khoá” không có ý nghĩa mấy. Mình cũng luôn muốn dân chủ và công bằng trong hôn nhân nên không thích kiểu vợ phải giữ tiền hay chồng phải giữ tiền. Nói thật thì mình cũng chẳng thích giữ tiền, đi ăn gì thì lôi ví ra để chồng trả chứ mình cũng không thích số má nên ghét đếm tiền mặt :))

3. Tiết kiệm

Hai phần trên là mình chia sẻ hết cách làm của bọn mình rồi. Đến phần này là mình cho vào cho có thôi chứ về tiết kiệm thì cũng không có gì để chia sẻ cả, vì có tiền đâu mà tiết kiệm =)) Mặc dù vậy, phần này với vợ chồng trẻ là quan trọng nhất (người ta bảo thế), tiết kiệm để mua nhà, mua xe (nếu muốn mua nhà mua xe, nếu không cũng chả ai bắt), để sinh con, nuôi con, để biếu gia đình hai bên, để phòng bất trắc, để đi du lịch. Chưa có con thì lại càng phải tiết kiệm vì có con rồi chắc có đồng nào sẽ tiêu hết đồng đấy mất. Bọn mình cũng cố gắng để dành ra một phần nhỏ để cho vào quỹ tiết kiệm. Các ngân hàng có loại tài khoản mà bạn có thể nộp tiền vào hàng tháng, và đến cuối kỳ (2 năm chẳng hạn) rút ra, tận hưởng lãi suất kép sau mỗi chu kỳ nộp tiền, nên là phương án rất có lợi để tiết kiệm lâu dài. Sacombank có “Tiền gửi tương lai có kỳ hạn”, Techcombank có ‘Tích luỹ Tài Tâm”, cả hai đều có thể mở và gửi online, các ngân hàng khác thì mình không biết.

Ngoài ra mình thấy mua bảo hiểm cũng là một phương án hay, cũng là cách để ép mình tiết kiệm. Chọn gói bảo hiểm nhân thọ phù hợp với bạn, và nộp tiền hàng năm. Sau này nếu không có bất trắc gì xảy ra thì bạn nhận được số tiền đó cộng với lãi. Mình đang tham gia một bảo hiểm nhân thọ kiêm sức khoẻ, mức đóng tiền hàng năm không quá cao, phù hợp với khả năng của mình, hàng tháng mình dành ra một số tiền để cuối năm nộp bảo hiểm, sau 12 năm mình có thể rút ra sử dụng số tiền đó đầu tư hoặc để dành cho con chẳng hạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *