Ông ngoại
Người đầu tiên dạy mình viết những nét chữ đầu tiên trên quyển vở ô li là ông, người đầu tiên dạy mình cách khâu vá, đơm khuy, thùa khuyết là ông, người đầu tiên dạy mình cách luộc rau muống và làm sao để rau xanh cũng là ông. Ông dạy mình gia phả dòng họ, dạy mình học thuộc tiểu sử của người bác đã hi sinh khi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, dạy mình những câu ca dao địa phương, những câu răn dạy bằng chữ Hán. Hồi ấy cứ nghỉ hè là bọn mình lần lượt được gửi ở nhà ông bà ngoại, bà thì lo ăn ông thì lo học, cứ thế cứ thế mà những gì ông bà dạy cũng ngấm vào người chẳng khác gì lời cô giáo ở trường. Nhớ có lần mình đọc bài vè có đoạn “… bà gì bà ngoại, ngoại gì ngoại xâm, xâm gì xâm lăng..”, ông nghe thấy và nhắc nhở ngay, bị ông nhắc nhở tức là đã nghiêm trọng và sợ lắm rồi, vì ông rất hiền chẳng mắng ai bao giờ, ông bảo không được so sánh bà ngoại với kẻ xâm lăng như thế. Lần ấy mình nhớ mãi.
Ông hoạt động cách mạng từ thời trẻ, vào Đảng năm 18 tuổi, là một trong những người đầu tiên đưa phong trào kháng chiến về làng. Rồi ông nhập ngũ, tham gia khắp các chiến trường ác liệt, đặc biệt là ở Tà Cơn, Khe Sanh, nơi mà thành tích của ông trong việc giữ thông suốt thông tin liên lạc sau này còn được đưa trên báo. Rồi ông đi học ở Nga, là một trong những sinh viên giỏi nhất trong nhóm những người đi cùng, nhưng vì tình hình chính trị sau này thay đổi, việc học của ông vẫn còn dang dở đã phải trở về. Nếu ngày ấy mà được học đến nơi đến chốn, chắc chắn sau này ông sẽ còn tiến xa hơn chứ không chỉ dừng lại ở một đại tá quân đội. Cuộc đời ông có nhiều trắc trở, nhưng ngay cả con cháu có khi cũng không để ý, vì ông rất kiệm lời khi nói về mình. Không than thở, không trách móc, trái lại, trong cuộc sống hàng ngày, người ta còn thấy ông là người lạc quan vui vẻ khi hay nghĩ ra những điều hài hước để cho qua những nhỏ nhặt hàng ngày. Liệu ông có đã sống một cuộc sống hạnh phúc không?
Ông không giàu có, ông không có địa vị xứng đáng, nhưng ông luôn luôn được con cháu trong nhà cũng như họ hàng kính trọng vô cùng. Ông là người tỉ mỉ, mình cảm giác như ông luôn không muốn để tuột mất bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc sống, vì thế mà ông luôn ghi lại. Cả gia tài của ông toàn là một tủ toàn những giấy tờ, mà đã có lần ông có ý giao cho mình giữ sau khi ông ra đi, từ những tấm ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp đến những thư từ ngày trước cả nhà gửi cho nhau khi bị chiến tranh chia cắt, từ những ghi chép về việc bà đi mổ ở bệnh viện, đến nhật kí lần cậu dẫn bạn gái (sau này là cô mình) về, phải nói là vô vàn những kỉ niệm trong cuộc sống mà người khác để trôi đi còn ông thì trân trọng lưu giữ.
Ông có hạnh phúc không? Mình không biết. Và bây giờ cũng chẳng ai có thể biết, vì ông đã hôn mê hơn một tuần nay không hề có dấu hiệu tiến triển. Người nhà tìm ra thấy trong tủ của ông có tập giấy ghi “Tài liệu đi công viên”, nơi ông dặn dò tỉ mỉ những việc phải làm khi ông được đưa ra Công viên Vĩnh Hằng. Nào là ai ở quê lên, đi xe của ai, ai hay bị say xe cần được chăm sóc, cỗ cần nấu món gì, tang lễ cần diễn ra như thế nào. Ông cứ viết dần dần vừa viết vừa sửa như Bác Hồ viết di chúc, chứng tỏ ông đã nghĩ nhiều đến sự ra đi của mình như thế nào.
Vài lần gần đây, mỗi lần mình chia tay mọi người để ra sân bay, ông bà, nhất là ông, đều nhất định phải ra tiễn. Ông ôm mình rất chặt, một hành động có thể nói là không bình thường với một người ít biểu lộ cảm xúc ra ngoài như ông, mình cảm giác như ông đều nghĩ mỗi lần đó có thể là lần cuối ông cháu còn gặp nhau. Nhưng rồi mình lại về, và ông bà vẫn khỏe mạnh. Chỉ có lần này, đúng ngay trước ngày mình bay thì ông bị đột quỵ, mình vào viện chào ông lần cuối trước khi đi mà ông không dậy, ông cũng không còn ôm mình nữa. Ông chỉ nhắm mắt thôi.
Mình có thể đã không kịp chào ông lần cuối…