Chuyện Hạ Long và lòng yêu nước

thanh_nien_bau_chon_cho_vinh_Ha_Long

“Chỉ còn 3 ngày nữa là công bố danh sách 7 kì quan thiên nhiên thế giới mới”… Nếu một tuần trước mới chỉ dừng lại ở một quảng cáo mỗi ngày vào khoảng 6h tối, thì nay nhà đài đẩy mạnh tuyên truyền cho công cuộc bình chọn vịnh Hạ Lọng bằng tất cả những lợi thế của mình, cụ thể là thường xuyên đưa tin liên quan đến cuộc bình chọn lên bản tin thời sự chính, và chạy chữ giục người dân bình chọn trên các phim và chương trình chiếu trong giờ vàng. Đó là nhà đài, ngoài ra còn rất nhiều phương tiện truyền thông khác cùng hàng loạt những chương trình vận động của nhà nước. Tóm lại, gần đây người dân bị dội bom những thông tin về bình chọn vịnh Hạ Long, và điểm chung của tất cả những tuyên truyền này đó là cho rằng “bình chọn cho vịnh Hạ Long là thể hiện lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc”!

Nếu bình chọn cho vịnh Hạ Long là yêu nước:

– Thì phải chăng chúng ta đang yêu nước một cách mù quáng? Yêu nước bằng cách ủng hộ một công ty không đại diện cho bất cứ tổ chức nào kinh doanh trên những di sản của chúng ta? Yêu nước là hăng hái tham gia vào một cuộc bình chọn không có tiêu chí, không có luật lệ, và thậm chí gần như không có cả… đối thủ? Liệu thế giới có ngưỡng mộ ta không khi địa danh của ta được trở thành “kì quan thiên nhiên mới của thế giới” bằng cách thật lực vận động dân số đông thứ 13 thế giới cùng tất cả kiều bào và người nước ngoài có thể thuyết phục được bình chọn trong một cuộc thi không có mấy ai tham gia, do một công ty bất kì dựng nên? Thay vì chiến thắng bằng cách “lấy thịt đè người” ấy, sao ta không dành số tiền tuyên truyền đó để quảng bá cho Hạ Long một cách chính thống trên các phương tiện truyền thông quốc tế, hay tu bổ vịnh và quần thể đảo, hoặc hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch bền vững tại Hạ Long để con cháu chúng ta cũng được tận hưởng?

– Thì phải chăng những người không bình chọn là những người không yêu nước? Bất kể họ là người đã từng vào sinh ra tử để bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh? Bất kể họ vẫn đang lao động đóng góp cho của cải của đất nước trong thời bình? Bất kể họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước? Bất kể họ là những người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc và đứng ra bảo vệ đất nước trên các diễn đàn quốc tế?… Liệu có phải chúng ta đang trở nên dễ dãi thậm chí lệch lạc với khái niệm “yêu nước”?

Nếu bình chọn cho vịnh Hạ Long là thể hiện lòng tự hào dân tộc, thì đó là một tín hiệu buồn nhiều hơn vui. Nếu đất nước Pháp tự hào nhất với cuộc cách mạng dân chủ đầu tiên trên thế giới, với những con người đã đặt nền móng cho những thành tựu của thế giới hiện đại như Marie Curie, như Balzac, như Louis Pasteur; Thụy Sĩ tự hào với tính nguyên tắc và kỉ luật đến kinh ngạc, là nguyên nhân sâu xa của những chiếc đồng hồ tinh xảo và chính xác cùng những ngân hàng tuyệt đối an toàn; Nhật Bản tự hào với ẩm thực, manga, những công ty hàng đầu thế giới, và tính kiên trì bền bỉ trong khắc phục khó khăn; thì Việt Nam chọn niềm tự hào của mình là một công trình hoàn toàn do bàn tay thiên nhiên sắp đặt, sự tác động của con người, nếu có, chỉ làm giảm đi chứ không làm tăng lên vẻ đẹp của công trình ấy.

Cuối cùng, tác giả khẳng định quan điểm không phê phán cũng như ủng hộ những ai muốn bình chọn cho vịnh Hạ Long trên trang web new7wonders và tin rằng việc này sẽ đem lại lợi ích cho đất nước bởi đó là chọn lựa của mỗi ngưỡi, tôi chỉ không đồng tình với việc đánh đồng hành động này với lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Không ai, không một tổ chức hay cá nhân nào, có quyền nói rằng những người không bình chọn cho Hạ Long trong cuộc thi này là không yêu nước!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *