Chuyện nhỏ


Hai tuần trước diễn ra cuộc bầu cử liên bang Úc. Hôm nay một cử tri đã thú nhận rằng trong cuộc tranh cử vừa rồi, anh ta đã đặt câu hỏi sai sự thật, góp phần làm một ứng cử viên đảng Lao Động mất chức ở nghị viện.

Hai ngày trước ngày bầu cử, trong một cuộc chất vấn công khai với một nhóm cử tri, Jon Sullivan, đại diện của đảng Lao Động của vùng Longman đã được một người đàn ông hỏi rằng vì sao con trai anh ta phải chờ những 2 năm mới được chẩn đoán là bị khuyết tật. Câu đầu tiên Sullivan trả lời là, có cha mẹ nào lại chần chừ những 2 năm rồi mới đưa con đi tìm bác sĩ chuyên khoa để khám nếu đã nghi ngờ con bị khuyết tật, và câu đó không những nhận được những tiếng phản đối từ cử tri lúc đó, mà còn trở thành tít báo sau đó. Cuối cùng Sullivan bị mất ghế nghị viện của vùng Longman trong cuộc bầu cử.

Hôm nay người cha có con bị tật nguyền đó đã lên đài phát thanh thú nhận rằng thật ra con trai anh ta không phải chờ để được khám, chỉ vì anh ta lúc đó bối rối và bực bội với việc đã không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu khi con mình có bệnh nên đã nói thế, chứ không hề cố tình từ trước. Anh ta nói đã cảm thấy cắn rứt lương tâm (“sick in the stomach”) khi nghĩ rằng việc làm của mình đã làm cho Sullivan mất chức.

Người đàn ông kia nói sai sự thật dĩ nhiên là không phải, nhưng cái đáng nói là anh ta đã thấy cắn rứt đến nỗi công khai nhận sai và xin lỗi. Một việc thật ra chẳng có gì. Một người với trí tuệ bình thường cũng hiểu rằng Sullivan mất chức chắc chắn không thể chỉ vì việc này, chưa kể sự việc chỉ diễn ra có 2 ngày trước bầu cử. Sự việc rồi cũng chẳng ai còn nhớ đến, anh ta lại cũng chỉ là một người dân bình thường chẳng có gì đặc biệt, cứ để yên rồi người ta sẽ quên. Chưa kể anh ta nhận sai rồi sẽ bị lên báo khắp toàn quốc (bằng chứng là đã lên rồi), bị những người ủng hộ đảng Lao Động oán trách, và nhất là bị mất mặt trước bạn bè, gia đình họ hàng. Nhưng cuối cùng anh ta vẫn ra thú nhận. Ai cũng có thể mắc lỗi, nhưng người dám vượt qua những ê chề để nhận sai và để sống đúng với lòng trung thực mới là người thật sự dũng cảm. Và một xã hội khuyến khích sự trung thực, minh bạch, và sự sống đúng đắn với lương tâm và cộng đồng, mới là xã hội có khả năng phát triển bền vững.

Một chuyện khác. Lần ấy khu nhà mình cắt điện. Nhưng trước khi cắt cả tuần họ đã gửi thư đến từng nhà thông báo do phải sửa đường dây nên sẽ phải cắt điện trong thời gian chính xác từ giờ này đến giờ này, và xin lỗi vì những sự bất tiện do việc không có điện gây ra.

Cũng do đường dây phải sửa nên một đoạn đường bị chặn, xe buýt phải vòng sang hướng khác một đoạn rồi mới quay lại được đường cũ, như vậy là có một bến xe không tới được. Người chờ xe buýt ở bến đó thì không hề hay biết, nên cứ đứng đó chờ, chỉ đến khi thấy xe buýt không đi qua chỗ mình mà đỗ ở phía xa xa, họ mới chạy tới. Người lái xe cũng biết nên đã cố tình đứng đó chờ. Và mặc dù chuyện cấm đường hoàn toàn không phải lỗi của xe buýt (do công ty điện không báo cho người dân, và cũng ko báo cho công ty xe buýt từ trước), nhưng người lái xe vẫn xin lỗi hành khách và áy náy vì đã không qua bến đón họ được.

Nhiều khi những gì văn minh nhất lại thể hiện ở những điều nhỏ rất nhỏ như vậy. Một xã hội làm sao văn minh được nếu ở nơi đó người dân, chính những người đã tạo ra chính phủ, không được tôn trọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *