Đi vắt sữa bò ở Iceland

Hồi xưa đi học mình hay tham gia WWOOF để có được các trải nghiệm thực tế trong các trang trại ở nước ngoài mà nếu đi du lịch thì không thể nào có được. Trước đó năm 2011 thông qua WWOOF mình cũng đã từng làm ở một trại nuôi ong mật organic ở Phần Lan. Hồi năm 2015 đang muốn đi Iceland, nên tìm trang trại nào ở Iceland để apply, apply mấy nơi thì được một trang trại bò sữa nhận (vì mình chỉ có khoảng 1 tuần nên khó được nhận khi phần lớn các công việc đòi hỏi làm từ một tháng trở lên).

Công việc của mình ở đây là giúp đỡ anh chủ vắt sữa bò, 2 lần một ngày, ngoài ra làm các việc khác trong thời gian còn lại. Trang trại này có hai vợ chồng, quy mô không lớn lắm, có khoảng ba chục con bò đang vắt sữa, cộng một vài con bê nữa, nhưng nếu chỉ một mình anh chủ làm thì vẫn rất bận, lúc đó cộng cả mình là có thêm 2 WWOOFer trợ giúp. Mỗi ngày phải vắt 2 lần vào giờ nhất định, mình nhớ không nhầm thì ở đây là 6 giờ sáng và 5 giờ chiều thì phải. Đáng ra cái câu “đều như vắt chanh” phải đổi thành “đều như vắt sữa” mới đúng, vì vắt sữa bò liên tục và đúng giờ rất quan trọng, nếu không con bò sẽ bị bệnh ngay, cái này ai đã nuôi con bằng sữa mẹ chắc cũng rất hiểu. Lúc mình đến là chị vợ đang có bầu ở những tháng cuối, mình đến được một ngày thì chị ý phải vào viện cấp cứu, rồi được trực thăng chở thẳng đến thủ đô Reykjavik luôn. Nói chung là tình thế khá căng, nhưng anh chủ vẫn phải ở nhà vắt sữa bò hàng ngày chứ không thể vào viện chăm vợ. Nói như thế để thấy việc duy trì vắt sữa có ý nghĩa sống còn với trang trại như thế nào. Nhưng để phòng trường hợp khẩn cấp cần phải đi ngay, anh chủ vẫn có phương án B là nhờ người đến tiếp quản để làm cùng bọn mình, dặn dò bọn mình cẩn thận, ghi tên và đặc tính từng con bò lên chuồng để nhớ cách làm với từng con (Nhưng ghi bằng tiếng Iceland nên không có ích với bọn mình lắm, hừ!). Cuối cùng khi mình chia tay trại là chị vợ vẫn chưa sinh, bọn mình đi để lại anh chủ loay hoay một mình cũng hơi áy náy, mặc dù không lâu sau đó cũng sẽ có WWOOFer khác đến. Nói chung sau này em bé vẫn đẻ ra khoẻ mạnh và xinh đẹp, trại bò cũng vẫn còn không phá sản, tóm lại là không sao cả hihi.

Kể về công việc vắt sữa của mình. Sáng phải dậy từ 5 rưỡi, đánh răng rửa mặt xong phải có mặt ở chuồng bò đúng giờ để bắt đầu lên đồ: mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay, đeo một cái ghế vào mông (ghế đeo sẵn ở mông, khi cần ngồi xuống lau ti bò thì ngồi được ngay). Chuẩn bị khăn lau ti bò, hai xô nước nóng, cái này thường là anh chủ làm. Chuồng bò có hệ thống ray trên cao để kéo máy vắt sữa đi đến từng con, hai cái xô nước và khăn cũng được kéo theo ray chứ không cần phải xách. Lên đồ xong thì việc của hai đứa bọn mình là dọn sàn chuồng bò để chuẩn bị cho việc vắt sữa. Các con bò đều được quay mông ra lối đi chung nên phân sẽ tập trung ở giữa hết để tiện cho việc dọn, nước tiểu thì rơi xuống dưới qua các rãnh. Đầu tiên mình phải lấy một cái cào để cào hết phân trên lối đi, sau đó dùng một cái chổi cứng để cậy phân và rơm dính trên các rãnh. Phần trước thì hôi thối hơn nhưng phần này mới là mệt hơn, rơm mắc vào các rãnh rất khó cậy, cái chổi thì to hơn người, khá là nặng, hai đứa cũng phải hì hục mới xong.

Sau khi đã dọn sạch sẽ. Lúc chuồng bẩn mình không chụp được vì lúc đó luôn rất bận.
Đây, nếu dọn xong mà có nàng nào tặng thêm một bãi như thế này thì lại phải dọn lại.

Sau màn dọn chuồng là đến màn trói chân sau của các con bò lại để có thể vắt sữa an toàn và chúng không nằm xuống được trong khi vắt. Con nào cũng phải trói hết, kể cả những con hiền nhất, để đảm bảo an toàn phòng trường hợp máy vắt sữa làm nó khó chịu nó có thể đá, gây nguy hiểm cho mình và hỏng máy. Đối với những con có tính hung dữ hoặc hay sợ hãi thì còn phải trói cổ nó vào chuồng nữa, để nó không giật người ra xa được. Sợi dây thừng để buộc rất to và phải thắt nút theo kiểu riêng, anh chủ thì thao tác rất nhanh còn mình mất rất nhiều thời gian mới buộc được một con. Sau khi buộc chân hết cả đàn thì với những con vú to phải mặc bra để đỡ thì cũng phải tháo bra của chúng ra trước khi đưa máy vắt sữa vào. Mình nhớ không nhầm thì một máy có 2 bộ vắt để vắt được 2 con một lúc, hay là trang trại này có hai máy thì phải. Thứ tự vắt sữa, con nào trước con nào sau cũng như mỗi con vắt bao lâu thì anh chủ nhớ hết, và việc lắp máy vào từng con cũng là do anh chủ làm. Việc của bọn mình là phải nhớ tên của từng con, hoặc giỏi hơn là nhớ được thứ tự vắt sữa, để trong khi máy đang vắt con này thì tiến hành lau ti cho hai con tiếp theo để chúng sẵn sàng. Nếu không nhớ được thứ tự thì anh chủ sẽ nói tên, ví dụ bây giờ mày lau con Laura đi, thì ít nhất mình cũng phải biết Laura là con nào chứ không thể lúc nào cũng hỏi lại được. Tên của những con bò cũng thú vị lắm, hay được đặt theo đặc điểm của chúng, hung dữ, vú bự, hiền lành, hoặc liên quan đến các câu chuyện Iceland nào đó. Chỉ tiếc là trí nhớ của mình quá tệ, sau hơn 2 năm giờ mình không nhớ được tên con nào cụ thể để kể câu chuyện về nó cả 🙁

Những con nằm xuống đất như thế này thì phải tìm mọi cách kêu nó đứng lên thì mới buộc chân được. Cũng vì nằm như thế nên ti của các nàng rất bẩn.

Việc lau ti thì cũng không phải đơn giản lắm, cũng phải học mới biết cách. Tất cả khăn sạch đựng trong 1 xô nước ấm, lấy khăn từ đó ra lau bốn núm vú và vùng xung quanh của mỗi con cho sạch. Phải là nước ấm vì phân và chất bẩn đóng cứng dính vào đó nên sẽ rất khó lau. Lau xong vứt khăn vào xô nước còn lại, không bao giờ để lẫn khăn bẩn với khăn sạch, hay dùng khăn đã lau cho con này để lau cho con khác, tránh nhiễm bệnh cả đàn. Lau ti xong thì phải dùng tay vắt một ít sữa (3 lần) ở từng núm vú ra đất để thông tuyến sữa. Ngoài ra vắt như vậy cũng để kiểm tra xem núm vú đó có ổn không, nếu vắt mà thấy ra máu thì phải báo với anh chủ để xử lý hoặc không cho máy vào ti đó nữa, chứ không kiểm tra như vậy mà cứ cho máy vào thì sẽ hỏng cả bồn sữa. Lau thì đơn giản thôi nhưng việc vắt sữa này nhiều khi mới mất thời gian, vì có những núm vú chỉ bóp chút là sữa sẽ chảy ra ngay, nhưng cùng một con đó có thể có núm vú khác nhỏ và rất khó vắt, chật vật mới ra được chút sữa, để đủ 3 lần nhiều khi rất lâu. Chưa kể có những con vú xệ xuống tận đất, để cúi xuống lau nó cho sạch và vắt sữa ra rất là khó. Việc vắt sữa cũng không phải bóp bóp giống như mình bóp cái chai, mà vừa bóp vừa có xu hướng kéo/giật nhẹ xuống dưới thì sữa mới ra được. Nhiều khi sợ con bò đau không dám làm mạnh, nhưng anh chủ nói nó không sao…

Cái ti hồng hào sau khi đã được lau sạch.

Tuần tự như vậy cho đến khi hết hơn ba chục con bò thì cũng phải mất 1 tiếng với 3 người làm mới xong, dĩ nhiên 1 người chuyên nghiệp và 2 người lơ ngơ. Sau đó nếu không còn việc gì thì bọn mình được thả về nhà cho ăn sáng, còn anh chủ dọn dẹp nốt. Nhưng thường thì cũng chưa xong ngay mà bọn mình sẽ phải đi vun lại cỏ cho những con bò, vì chúng nó ăn thì lắm nhưng phá cũng lắm, sẽ bới tung đống cỏ trước mặt lên, hoặc hất lung tung lên trần, kết quả là cỏ vẫn còn nhưng bị đẩy ra xa và nó sẽ không ăn được. Ngoài ra có thể còn phải lấy thêm cỏ mới, và cào bằng ra suốt chiều dài chuồng để chia đều cho từng con. Công việc nghe có vẻ đơn giản nhưng với một đống cỏ to và một cái bồ cào nặng thì cũng khá là mất sức.

Vun lại cỏ cho lũ bò. Đẩy cỏ về gần phía chuồng để nó có thể ăn được và cũng để lấy lối đi để sau đó đẩy xe thức ăn qua.

Sau khi vun cỏ thì tuỳ theo lệnh anh chủ mà có thể lúc đó chúng mình sẽ có thêm nhiệm vụ xúc thức ăn khô dạng hạt vào máng cho chúng. Vì thế cũng phải vun cỏ để dọn đường thì mới có thể đẩy cái xe cút kít đầy tràn và rất nặng qua được. Việc đẩy xe cũng không phải dễ đối với mình vì nó rất nặng, xe chỉ có 1 bánh, đường thì nhấp nhô đầy cỏ, và nguy hiểm nhất là những con bò háu ăn nhìn thấy xe đến là sẽ lên cơn phấn khích và con nào cổ dài còn có thể hất đổ được cái xe luôn. Việc xúc cho ăn thì trung bình mỗi con một gáo, nhưng sẽ có những con đặc biệt chỉ được ăn nửa gáo thôi chẳng hạn, thông tin này sẽ được ghi trên máng của nó. Sau này làm quen rồi thì có thể nhớ luôn.

Chắc đang thấy xe thức ăn tới nên hóng hớt

Cuối cùng sau tất cả những việc đó thì bọn mình thay đồ, rửa dụng cụ, và được về nhà ăn sáng. Thông thường chị vợ là người nấu ăn nhưng xui rủi thay đúng lúc mình đến chị vợ phải đi cấp cứu nên thường là chỉ ăn trứng luộc, bánh mì nướng. Nói chung làm việc nặng nên cũng phải cố mà ăn, vì đến chiều tất cả lại lặp lại một lần nữa.

Sau khi ăn sáng xong thì tuỳ vào công việc ngày hôm đó mà bọn mình sẽ giúp anh chủ ở một việc nào đấy. Hôm thì đi lên ngọn đồi bên cạnh để trồng cây. Trồng cây có dụng cụ riêng nên chỉ cắm phập cái cây non xuống đất thôi, không phải cúi. Nhưng khó là vì cái đồi đó rất rộng, phải trồng hàng trăm cây chưa hết. Trồng thì cũng phải thẳng hàng nữa nhưng nói thật là cây cắm phập xuống đất rồi, lẫn với cỏ dại nên mình chẳng còn nhìn thấy cái gì mà căn. Cái đồi thì rộng mênh mông chỉ có cắm cờ ở hai đầu thì làm sao mà thẳng được, có khi mình còn dẫm phải cây vừa mới trồng ấy chứ. Việc nghe đơn giản nhưng cũng chẳng dễ dàng lắm vì đất đồi cứng như đá, cắm được vào đâu phải dễ, chưa kể làm việc ngoài trời gió rét thổi vù vù, mặc dù đấy là mùa hè.

Hoặc có một việc khác mình được giao là đi nhổ cây dại (sao đi đâu cũng được giao cái việc này, chắc vì mình vô dụng quá). Mà thật ra là nhổ hết cả mảnh vườn, vì cái cây quái gì trong vườn đó cũng được coi là cây dại hết, kể cả cây lớn. Nhổ xong đổ vào xe cút kít, đầy xe thì phải đẩy lên dốc để đổ sang bờ rào bên kia cho ngựa (nhà hàng xóm) ăn, mà cái rào đấy lại còn có điện (…) Nói chung công việc cũng cơ bản không có gì đặc biệt, chỉ có điều mình khá thích vì được làm một mình, và được chơi với con chó Clima mà mình rất quý.

Clima rất thông minh. Là chú chó thông minh và ngoan nhất mà mình từng gặp cho đến giờ. Chơi với Clima còn vui hơn chơi với người nữa.

Thời gian ở trang trại Egg ở Iceland khá ngắn ngủi, mình chỉ có một tuần. Sau này khi đã về rồi mình vẫn rất nhớ những kỉ niệm ở đó, nhớ nhất dĩ nhiên vẫn là con Clima. Nhưng dù sao trong một thời gian dài sau đó, sáng nào mở mắt tỉnh dậy mình cũng thầm cảm ơn trời đất vì hôm nay không phải lo dậy sớm đi dọn phân và lau ti bò nữa rồi. Đúng là quá ám ảnh mà.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *