Hai mươi năm rồi Hà Nội bồng bềnh trong tôi

Bị mê hoặc bởi những hình ảnh, những cái tên mà chỉ cần nhắc tới cũng làm xao động bất cứ người yêu Hà Nội nào trong bài hát “Gọi tôi Hà Nội” của Trịnh Minh Hiền, mình (với sự giúp đỡ rất lớn của Sơn happy) muốn tìm đến những địa điểm đó trong Hà Nội của ngày hôm nay, xem chúng khác gì với Hà Nội trong kí ức của tác giả từ hai mươi năm trước.

(Hãy ấn play bài hát trong khi đọc bài, để được quay lại với một Hà Nội xưa không có khói xe, không có tắc đường, trong chốc lát)


Một cô bé trắng xinh trên tấm ảnh đen trắng cầm cây đàn vui lắm trong hiệu ảnh quốc tế thật đông.


Hiệu ảnh Quốc Tế, ban đầu là “Nhà ảnh Quốc Tế”, không phải là cái tên lạ lẫm với hầu hết những người sống lâu năm ở Hà Nội. Hiệu ảnh ra đời trước cả khi thủ đô giải phóng, từ đó đến nay vẫn nằm ở vị trí 11 Hàng Khay nhìn ngay ra Hồ Gươm. Nhà mình trước đây ông ngoại là bộ đội, gần như hầu hết thời gian ông đều ở xa nhà, nên có lần trước khi ông đi cả nhà ra hiệu ảnh Quốc Tế chụp ảnh làm kỉ niệm để ông mang ra chiến trường. Đối với mẹ, dì, cậu lúc ấy được một buổi lên phố, ăn phở và nhất là được chụp ảnh là một sự kiện trọng đại lắm. Ở góc ảnh có ghi chú của ông (sau này) là ảnh chụp năm 76, tức là lúc ấy ông đang là giáo viên thông tin của Học viện Quân sự, tất cả những tấm ảnh ấy sau này lại theo ông trở về với bộ sưu tập của gia đình.
Đằng xa xa phía sau cửa sổ trong ảnh còn nhìn thấy cầu Thê Húc.

Nhà ảnh Quốc Tế trong ngày giải phóng thủ đô (nguồn: http://www.hieuanhquocte.com.vn)

Hà Nội đó với chiếc đồng hồ rất to, và khi hai chiếc kim chạm nhau là tiếng chuông tàu điện leng keng.

Chiếc đồng hồ trên tòa bưu điện Hà Nội được bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 1978, thời ấy không phải nhà nào cũng có đồng hồ, nên có một hệ thống những đồng hồ công cộng như thế xung quanh thành phố để người dân xem giờ. Tầng 5 tòa nhà bưu điện lúc bấy giờ là một trong những điểm cao nhất của Hà Nội. Tiếng chuông đồng hồ phát ra từ đây trở thành một ấn tượng đối với người Hà Nội, nhất là vào những thời khắc giao thừa.

Tàu điện cũng là một hình ảnh không thể nào quên đối với những ai đã từng sống ở Hà Nội trước những năm 90. Tàu điện có mặt ở Hà Nội gần một thế kỉ bắt đầu từ năm 1900, là hệ thống giao thông công cộng đầu tiên ở Hà Nội và ở Việt Nam, từ sau năm 1954 được tiếp quản bởi chính quyền cách mạng.

Giờ đây ở Hà Nội hệ thống tàu điện đã không còn nữa, phương tiện giao thông công cộng của người dân trở thành xe buýt. Nhưng để phục vụ đại lễ 1000 năm, Hà Nội bắt đầu triển khai dịch vụ xe điện đi trong khu phố cổ, thôi thì không có hình tàu điện nhưng cũng có hình xe điện, âu cũng là sự thay đổi từ quá khứ đến hiện tại.

Hai mươi năm rồi Hà Nội bồng bềnh trong tôi, nhớ khi đi tàu điện mặc áo bông ăn kem Bodega.
Hai mươi năm rồi Hà Nội hào hoa bao mùa thay áo để sáng nay tâm hồn mình đã nhiều nếp nhăn khi nghĩ về.

Bodega trên phố Tràng Tiền ban đầu là một nhà hàng Tây mở bởi một người Pháp, ngoài những món Tây như bít tết, súp thỏ, gà hầm còn nổi tiếng là nơi đầu tiên ở Hà Nội chế biến và bán các loại bánh châu Âu. Hồi bấy giờ thứ bánh như thế là sang trọng lắm, và muốn mua được thì không đâu khác là phải lên Bodega. Được ưa chuộng lúc bấy giờ là các loại bánh ga tô, su kem, mo ka bơ, xúc cù là…, ngày chiến tranh khó khăn Bodega còn sản xuất loại bánh mì “bít cốt” là miếng bánh khô nhỏ tẩm đường để tiện làm lương khô hay làm quà cho trẻ em đi sơ tán. Bodega sau này qua nhiều lần đổi chủ, rồi trở thành cửa hàng mậu dịch, bán cả những món ăn Việt Nam (người dân hay đọc chệch thành Bò Dê Gà cho dễ nhớ) và kinh doanh cả khách sạn.
Ngày nay đi trên phố Tràng Tiền nếu để ý một chút mới thấy được nhà hàng Bodega, nằm khiêm tốn bên cạnh những cửa hiệu khác với biển quảng cáo choáng ngợp. Nếu chỉ đi lướt qua thì chỉ thấy Bodega bán kem, có lẽ cũng giống với kem Tràng Tiền. Lần sau nếu muốn lên phố ăn kem mà hàng kem Tràng Tiền quá đông có thể ăn tại Bodega, tự nhủ rằng nơi này còn có lịch sử lâu dài hơn cả quán kem Tràng Tiền nổi tiếng.

Ngồi hàng Hành cafe Nhân nhìn trời mưa rồi tạnh mưa rồi lại.

Ít ai biết được quán cà phê Nhân được mở ra bởi những người lính biệt động, vừa để lấy kinh phí hoạt động cách mạng, vừa để mưu sinh và vừa là nơi liên lạc của cán bộ. Tên “Nhân” không những là tên của một trong ba người, mà còn mang ý nghĩa nhân đức, nhân nghĩa. Quán cà phê Nhân đầu tiên được mở ở Vân Đình, rồi khi gia đình ông Nguyễn Văn Thi (người phụ trách chính việc điều hành quán) sơ tán về Ninh Bình lại có một cà phê Nhân nữa mọc lên ở Nho Quan, Ninh Bình, rồi lại ở Cầu Gỗ, Hà Nội. Sau này những quán cà phê mang thương hiệu cà phê “Nhân” khác cũng xuất hiện, do con cháu của vợ chồng ông Thi lập nên. Riêng quán cà phê ở 39D Hàng Hành do con gái út của ông bà mở, nhờ kinh doanh có uy tín mà chỉ từ một quán cà phê lợp lá, vách bằng cót ép trong một con ngõ nhỏ xe xích lô không đủ qua, quán đã không những trở thành một trong những địa chỉ đáng nhớ của người Hà Nội, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Nhân ngày càng vững mạnh.

Ngồi cùng bạn trên chiếc Chali cúc cu ngày xưa.
Lượn 1 vòng Hồ Tây thân, chạy qua những chiếc loa phường chiều chiều lại bật một điệu nhạc quen quen… Hà Nội sao thật gần.

Hồ Tây, nếu được ngắm nhìn đúng thời gian và không gian, sẽ là một cảnh đẹp lãng mạn rất ít thay đổi bất kể Hà Nội đổi thay đến mức nào. Nhưng với cá nhân mình, Hồ Tây mê hoặc nhất ở chỗ xung quanh nó chứa bao nhiêu câu chuyện huyền bí về một Hà Nội thiêng liêng từ rất xưa. Hà Nội đã là một mảnh đất huyền bí, Hồ Tây lại là trung tâm của những điều bí ẩn của Hà Nội. Hồ Tây là hồ rộng nhất Hà Nội, là một nhánh của sông Hồng khi xưa.

Những chiếc loa phường, có lẽ không phải là một đặc trưng chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng giữa nhịp đổi thay không ngừng của thành phố, loa phường nhận được sự chú ý của dư luận hơn bao giờ hết. Cuộc tranh luận loa phường góp phần gây ô nhiễm tiếng ồn hay là một kỉ niệm đẹp về Hà Nội xưa sẽ vẫn còn tiếp diễn. Mình chỉ biết rằng hồi bé cứ nghỉ hè là mình được gửi ở nhà ông bà, buồn vì không có ai chơi cùng nên mình rất nhớ cái cảm giác chiều chiều ngồi bám song sắt cửa sổ nhìn ra ngoài đường người ta đi làm về, và cứ đến 5h loa phường sẽ vang lên bài “Hà Nội Niềm Tin và Hi Vọng”, sau đó là bản tin hàng ngày của phường Nghĩa Tân. Kí ức đó luôn đi kèm với cảm giác về một nỗi buồn man mác.

Anh bên tôi nghe… Hà Nội.
Đi trong đêm hoa xưa.. ngập lối.
Hôm nay tôi xa Hà Nội.
Vẫn là tôi, một cô bé….

P/S: Trong lúc viết bài này mình đã có cơ hội được đọc những thông tin rất hay về những địa điểm mà mình nhắc đến, những thông tin đó đã được dùng trong bài. Nếu ai muốn tham khảo có thể đọc thêm tại link: đồng hồ Bưu điện Hà Nội, tàu điện, Bodega, Cà phê Nhân

Tất cả những ảnh trong bài này trừ những ảnh đã ghi nguồn đều do mình chụp.

Hà Nội của Trịnh Minh Hiền là kí ức về 20 năm trước khi tác giả còn là một cô bé. Tình cờ, Hà Nội cũng đã “bồng bềnh” trong tim mình đúng 20 năm. Mai là sinh nhật Hà Nội, xin chúc mừng sinh nhật thành phố mình đã sinh ra và lớn lên flirt

Nhớ nhé, mai, 10/10, sẽ có một điều đặc biệt nữa không phải chỉ tặng riêng Hà Nội xuất hiện trên blog này wizard

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *