Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam
Thương mại điện tử ở Việt Nam có thể nói là đang phát triển với thị trường càng ngày càng mở rộng, mặc dù còn khá chậm chạp. Tuy vậy, thanh toán không dùng tiền mặt thì có vẻ như suốt mấy năm qua vẫn không khá hơn là mấy, và đây cũng chính là một trong những lí do khiến thương mại điện tử chưa thể bùng nổ được.
Đối với mình, một người ngại tấp vào hết hàng này đến hàng khác, chọn lựa, tìm kiếm, rồi trả giá, rồi có thể vì nể nang mà lại mua một món hàng chưa thật ưng ý (chưa kể những rắc rối từ việc phi xe lên vỉa hè chật hẹp rồi lại lùi xe ra mà mình rất ghét), mua hàng qua mạng luôn là lựa chọn yêu thích nhất mỗi khi nào có thể. Nhưng phần lớn các trang bán hàng trên mạng hiện nay tại Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng hình thức COD (trả tiền khi giao hàng – Cash on Delivery), đơn giản vì khách hàng chỉ tin tưởng và chỉ ưa thích hình thức này. Gần đây ở Việt Nam có trang bán hàng trên mạng khá chuyên nghiệp, được đầu tư kĩ lưỡng từ hàng hóa cho đến marketing; quảng cáo của trang này xuát hiện rầm rộ trên rất nhiều trang web mà hầu hết người Việt đều ghé thăm, nhưng cuối cùng phương thức thanh toán chủ đạo vẫn là COD. Nhiều người bán hàng cũng không thích COD do rủi ro và những rắc rối đến từ việc tìm nhà, hẹn giờ để gặp người mua, mà nếu vì lí do gì đó không thể gặp được tức là họ đã mất tong công vận chuyển món hàng đó, nhưng vẫn phải chấp nhận hình thức này vì nhiều khách hàng chỉ tin tưởng cách đó. Câu hỏi ở đây là vì sao người tiêu dùng Việt Nam lại thiếu niềm tin với thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể ở đây là thanh toán trực tuyến, đến vậy?
Và trong một lần thử thanh toán online với các dịch vụ hoàn toàn đến từ Việt Nam, mình đã phần nào hiểu tại sao!
Lần đó, có người nhờ mình mua hộ điện thoại Samsung Galaxy SIII qua mạng, vì Media Mart quảng cáo trên trang web rằng nếu khách hàng mua điện thoại này bằng hình thức trực tuyến sẽ được giảm 1 triệu đồng, nếu còn thanh toán qua Ngân lượng thì còn tiếp tục được giảm thêm 1 triệu đồng nữa.
Vậy là mình tạo tài khoản Media Mart, không suôn sẻ lắm sau một vài lần hệ thống bị lỗi tuy nhiên cuối cùng cũng thành công, mặc dù trong thương mại điện tử vấn đề sự ổn định của hệ thống ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người mua hàng. Sau đó mình tiếp tục tạo tài khoản trên nganluong.vn, tuy trang này thiết kế không thật sự mạch lạc (nếu những người lớn tuổi như người nhờ mình mua điện thoại tự tạo tài khoản thì có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian để biết phải làm gì) nhưng là một cổng thanh toán có uy tín trên thị trường nên mình nghĩ là an tâm, và cuối cùng đúng là tạo tài khoản không gặp vấn đề gì.
Nhưng sau đó mới đến phần phức tạp, đó là phần nạp tiền vào tài khoản Ngân lượng. (Mình luôn thấy rất thú vị khi chưa thấy ở đâu như Việt Nam, nơi mà thẻ cào điện thoại nhiều khi được dùng như một phương tiện thanh toán thay cho tiền mặt – một ví dụ điển hình về tính đặc thù của thị trường Việt :D) Ngân lượng cũng rất linh hoạt khi đưa ra 5 lựa chọn để nạp tiền, trong đó chuyển khoản online qua tài khoản ngân hàng là tiện nhất và cũng rẻ nhất (miễn phí), vì nạp tiền qua thẻ cào điện thoại hay thẻ thanh toán quốc tế (Visa/Master card) đều mất phí, còn nạp tiền bằng cách ra cây ATM hay đến văn phòng Ngân lượng thì chả khác gì ra hàng mua đồ cho rồi. Đến đây mới bắt đầu gặp vấn đề, khi mình chọn chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng và được Ngân lượng đưa đến trang web của ngân hàng T để đăng nhập thì mình phát hiện ra là link đăng nhập này chỉ hỗ trợ Internet Explorer!
Lúc đó mình lại đang dùng Mac nên không có và cũng không thể cài IE. Quá bất ngờ với đòi hỏi kì cục và thiếu chuyên nghiệp này nhưng cực chẳng đã, mình phải dùng chương trình giả lập Windows để vào link đó bằng IE, với hi vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Lần này thì đăng nhập thành công, nhưng ngờ đâu, khi thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang Ngân lượng thì được thông báo tài khoản của bạn chưa kích hoạt thanh toán trực tuyến. Rõ ràng là người nhờ mình mua điện thoại đã kích hoạt Internet banking, bằng chứng là tài khoản cũng đã đăng nhập được. Như vậy tức là Internet banking là một chuyện, nhưng nếu muốn thanh toán qua Internet banking, khách hàng của ngân hàng T lại phải đăng ký thêm một lần nữa?
Quá nhiều rắc rối từ đầu đến giờ, người nhờ mình mua điện thoại đã quá nản và không còn niềm tin với việc thanh toán qua mạng để được khuyến mại nữa, quyết định thà mất 2 triệu khuyến mại còn hơn mất cả mười mấy triệu nếu quá trình thanh toán gặp rủi ro. Cuối cùng, người đó đã gọi điện đến Media Mart để đặt hàng chiếc SIII, và ngạc nhiên chưa, nhân viên Media Mart cho biết chỉ cần gọi điện thế này cũng đã được tính là mua hàng online rồi, và khách hàng vẫn được giảm giá 1 triệu như thường. Ngay chiều hôm đó, chiếc SIII đã được giao đến tận nhà, thanh toán bằng tiền mặt, còn người bạn mình vẫn được giảm 1 triệu vì… giao dịch đó vẫn được tính là giao dịch online!
Đây chỉ là câu chuyện về một trải nghiệm của mình với việc thanh toán không dùng tiền mặt bằng các dịch vụ của Việt Nam, mặc dù không phải là người bỏ tiền ra mua hàng, nhưng qua việc này mình cũng đã nản và mất niềm tin hơn với thanh toán qua mạng. Để thanh toán không dùng tiền mặt thành công thì việc các nhà cung cấp dịch vụ sẵn sàng không chưa đủ, quan trọng hơn nữa là người dùng phải sẵn sàng. Mà để làm cho họ sẵn sàng, đầu tiên họ phải thấy yên tâm, và sau đó phải thấy được sự tiện lợi. Chứ thanh toán không dùng tiền mặt mà đánh vật như mình thì thà tiền trao cháo múc còn hơn. Vì vậy, các nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ nếu muốn thúc đẩy hình thức này thì không thể làm ăn đại khái, nửa vời, có dịch vụ không chưa đủ, phải chắc chắn dịch vụ đó tốt và ổn định, lúc đó hẵng khuyến khích người tiêu dùng thanh toán online.