Tình yêu là cái quái gì
Mình thì biết gì về relationship chứ. Một mảnh tình rưỡi vắt vai, nếu người ta bắt ghi số lượng các mối tình trong CV thì kinh nghiệm của mình chỉ thuộc dạng dưới trung bình. Nhưng tự nhiên bỗng nghĩ tình yêu là gì, relationship là gì, sao người ta cứ phải nói nhiều về nó đến thế.
Tình yêu là gì? Đơn giản lắm, tình yêu là khoảng thời gian não bộ tiết ra một lượng lớn dopamine để làm cho ta say mê một ai đó, quên hết trời đất, nghiện người đó đến phát điên luôn. Lượng dopamine này bằng với lượng được não bộ sản xuất ra khi người ta nghiện ma túy vậy. Thế nên tình yêu nó kì diệu lắm, vì chẳng ai chống lại được phản ứng của chính cơ thể mình. Ai cũng nói về tình yêu, ai cũng nghĩ tình yêu của mình là vĩ đại nhất, là mình sinh ra chỉ để được gặp người yêu của mình, mà chẳng ai biết mình đang bị chính cơ thể mình lừa đảo để tạo ra ảo giác. Nhưng vấn đề là lượng dopamine này chỉ kéo dài trong khoảng 1 – 2 năm, thậm chí vài tháng thôi. Bởi vì mục đích cao cả nhất mà tạo hóa dành cho tình yêu, đó là để have sex, để sinh con đẻ cái, để duy trì nòi giống. Vì sao tạo hóa lại không để cho não bộ lừa phỉnh người ta mãi? Bởi vì vài tháng một năm là quá đủ để làm quen rồi have sex, như vậy là hoàn thành mục đích rồi, nếu tiếp tục cho thêm dopamine không những thừa mứa chả giải quyết được vấn đề gì, mà thậm chí còn đi ngược lại mục đích tối đa hóa cơ hội duy trì nòi giống. Bởi vì con người không phải động vật đơn giao (monogamy), con người được lập trình, giống như mọi loài sinh sản lưỡng tính khác, để tối đa hóa cơ hội sinh tồn bằng cách có càng nhiều bạn tình càng tốt, vung vãi gene của mình ra với càng nhiều đối tượng càng tốt, để ít nhất một bộ gene trong số đó đủ khỏe mạnh để chống chọi với thiên tai bệnh tật và sau này tiếp tục duy trì nòi giống. Sau thời kỳ say mê đắm đuối một ai đó, tạo hóa không muốn ta tiếp tục dính chặt cả đời với người đó mãi, cơ thể ta được lập trình để “move on”, để đi tìm người mới và tiếp tục cảm giác gây nghiện một lần nữa. Đơn giao (monogamy) là đi ngược lại tự nhiên, chính ý tưởng cho rằng hai người yêu nhau phải sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi là nguyên nhân của những nỗi đau khổ trong tình yêu của nhân loại!
Vậy vì sao lại tồn tại tư tưởng này ở hầu hết các xã hội? Phải chăng vì đấy là cách con người xác định mình khác với phần còn lại của thế giới động vật? Đấy chỉ là cách giải thích ngụy biện mà thôi. Nếu thật sự muốn khác với loài vật thì thụ tinh trong ống nghiệm đã thay thế việc have sex từ lâu rồi. Chẳng qua đối với hướng phát triển đã chọn của nhân loại, sẽ dễ hơn rất nhiều nếu cai trị và quản lý một xã hội nơi mà sự gắn bó giữa con người với con người được “nâng tầm quan điểm” lên thành một triết lý, một mục đích sống, thay vì chỉ là để duy trì nòi giống. Một xã hội xây dựng từ những hạt nhân là gia đình sẽ dễ dàng quản lý hơn rất nhiều so với một xã hội nơi mà mọi người đều có con với nhau và không thể phân định được ai phải có trách nhiệm chăm sóc những đứa con ấy.
Thế nên loài người khổ sở và suốt ngày lùng bùng trong mớ vấn đề về tình yêu và relationship, bởi vì chúng ta không những bị chính cơ thể mình lừa, mà còn bị cả chế độ xã hội lừa cho rằng chúng ta sinh ra là để chung sống với một người nào đó. Điều này đi ngược lại với tự nhiên và chúng ta phải suốt ngày vật lộn trong cuộc bơi ngược dòng ấy. Từ bé ta được tiêm nhiễm đủ loại truyện cổ tích, nơi mà công chúa và hoàng tử “yêu nhau say đắm từ cái nhìn đầu tiên”, sau duy nhất một thử thách, và thế là “họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi”. Suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, ta tiếp tục bị tẩy não bởi những phim ảnh, sách truyện của những mối tình lãng mạn, “họ sinh ra để dành cho nhau”. Chưa hết, cái thời đại này còn khổ sở hơn, vì hàng ngày ta bị mạng xã hội tra tấn bằng một lượng lớn và ổn định hình ảnh các cặp đôi đi du lịch nắm tay nhau cười rạng rỡ, cuộc sống màu hồng luôn bên nhau cùng bước tới chân trời. Với những thử thách hàng ngày hàng giờ như thế, với đủ sự trông đợi của xã hội, bảo sao ta không khổ sở khi một ngày lượng dopamine lừa đảo kia thì đã cạn kiệt, còn ta thì chỉ thấy tương lai mù mịt của một bà già lắm điều suốt ngày cằn nhằn với một ông chồng bướng bỉnh trong suốt phần đời còn lại?
Viết ra trong một ngày PMS, để tự dặn mình tình yêu chỉ là một cảm giác giả dối, nếu đã quyết định tuân theo xã hội sống theo chế độ monogamy thì xác định là không còn dopamine để dựa vào nữa rồi, một là dùng thuốc phiện, hai là phải chơi với nhau theo kiểu khác thì mới được dài lâu.