Tự nhiên lại nghĩ
Dù đi kiểu gì cũng là nước mình trả tiền cho nước ngoài để có được kiến thức (“được cho là” tốt hơn ở trong nước). Tức là như một khoản đầu tư vậy. Đất nước đang đầu tư thông qua những con người này. Dĩ nhiên cứ bỏ tiền vào giáo dục là đầu tư rồi, học ở đâu cũng thế thôi. Nhưng những sự đầu tư mình đang nói đến là những khoản lớn hơn nhiều, đồng nghĩa rủi ro cũng cao gấp bội. Họ đang học bằng ngoại tệ của đất nước!
Và theo lẽ thường tình thì đất nước trông đợi họ sau này làm thế nào để trả lại được, cả vốn lẫn lãi, của khoản đầu tư ban đầu ấy. Bằng cách này hay cách khác.
Đấy là một trách nhiệm rất nặng!
Và chỉ mới là lí thuyết.
Trong thực tế, có những người sẽ thành công, có người sẽ lận đận (vì có một tấm bằng ở một nước nào đó chưa đảm bảo cho cái gì cả), có người sẽ đầu quân vào công ty nước ngoài, rồi ngoại tệ lại chảy ra.
Tóm lại, ý mình là, có thể thấy ngày nay chuyện đi du học là rất phổ biến. Nhiều người đi học vì gia đình họ có điều kiện. Chẳng có gì sai. Nhưng đứng trên góc độ của một đất nước, chưa chắc việc có nhiều người chọn hoàn thành bằng cấp ở nước ngoài đã là một sự đầu tư khôn ngoan. Ừ thì cứ cho rằng kể cả các trường hợp mình kể trên kia, bằng cách này hay cách khác họ sẽ hoàn lại được khoản đầu tư đã bỏ ra cho mình, nhưng với một CHI PHÍ CƠ HỘI rất cao. Liệu có thể đảm bảo rằng, những người tốt nghiệp trong nước sẽ không kiếm được bằng, hoặc thậm chí hơn họ?
Thế nên, nói một cách tổng thể, việc nhiều người đi du học chưa chắc đã là dấu hiệu tốt. Họ cũng đang đóng góp vào một kiểu “nhập siêu” mà thôi (sản phẩm nhập khẩu ở đây là giáo dục, và thậm chí để mua được sản phẩm này, người ta phải sang tận nơi, ăn dầm ở dề dùng hàng hóa nước ngoài mấy năm mới mua xong được). Muốn để không bị thế thì những người được đi du học (coi như là một khoản đầu tư của quốc gia) phải được chọn lọc kĩ lưỡng, chỉ những người xuất sắc có khả năng tạo ra lợi nhuận từ kiến thức mình thu được mới được đi.
Nhưng dĩ nhiên điều này là không thể.