Vì sao mình không uống sữa
Năm 2015 mình có làm việc ở một trang trại bò sữa ở Iceland. Từ khi đó mình đã ít uống sữa bò và sử dụng các sản phẩm từ sữa hơn, đến sau này khi càng hiểu thêm về dinh dưỡng thì gần như mình không còn uống sữa nữa. Nếu cần sữa, bơ, phô mai để làm bánh hay thỉnh thoảng nấu món nọ món kia thì mình vẫn dùng, nhưng chắc chắn loại bỏ sữa ra khỏi các sản phẩm hàng ngày. Dưới đây mình sẽ kể tại sao. Bài này mang nhiều ý kiến chủ quan thôi, không nặng về khoa học đâu, nếu muốn có các dẫn chứng khoa học mọi người tự tìm hiểu nhé. (Đây là lựa chọn của mình ở thời điểm hiện tại, bài này không nhằm phán xét hay đánh giá ai cả. Có những trường hợp vẫn phải uống sữa bò ví dụ như em bé sinh ra mà mẹ không có sữa chẳng hạn. Mình chỉ muốn giải thích cho lựa chọn của mình thôi, sau này có thể điều kiện bắt buộc nên vẫn phải chọn khác chẳng hạn, nhưng chắc chắn là sau khi đã cân nhắc lợi hại của tất cả các phương án rồi.)
- Cơ thể người lớn không được thiết kế để dung nạp lactose: Có lẽ bạn cũng biết rồi, để phân huỷ được lactose trong sữa thì cơ thể cần có enzyme lactase, mà trên lý thuyết thì sau khi em bé cai sữa mẹ là đường ruột cũng ngừng sản xuất lactase, bởi vì trong chế độ ăn của tất cả các loài vật có vú từ xưa đến nay ngoài lúc bú mẹ ra thì trong đời không có lúc nào cần tiêu hoá sữa nữa cả. Như vậy dĩ nhiên nên tắt chế độ sản xuất lactase đi cho đỡ lãng phí năng lượng. Sau này con người bắt đầu thuần hoá gia súc, và thấy rằng sữa của chúng uống cũng ngon, bỏ đi thì uổng. Một vài người đột biến và vẫn còn enzyme lactase nên hấp thụ được sữa, theo chọn lọc tự nhiên thì họ phát triển và gien đột biến này lan rộng, khiến cho ngày nay nhiều người uống được sữa hơn mà không bị các vấn đề đường ruột. Thế nhưng, thứ nhất đối với người châu Á, tổ tiên chúng ta không được làm quen với sữa, chúng ta là những thế hệ đầu tiên tiếp cận với sữa, nên tỉ lệ không dung nạp lactose của châu Á cao hơn rất nhiều so với người châu Âu. Khi không dung nạp được lactose thì bạn biết rồi, sôi bụng, đầy bụng khó chịu, đi ngoài, nhiều nghiên cứu còn đưa ra nhiều ảnh hưởng sức khoẻ dài hạn khác. Thứ hai, vẫn phải hiểu bản chất thiết kế của cơ thể để thấy rằng chúng ta không sinh ra để uống sữa gì ngoài sữa mẹ khi còn nhỏ, biết rằng việc cơ thể tiếp tục sản xuất lactase là một thích nghi mang tính tiến hoá, nhưng nó đã được tối ưu hay chưa thì chưa biết. Đọc cuốn “Nhân tố Enzyme” của Hiromi Shiniya để xem quan điểm của tác giả này về việc sữa gây hại lên đường ruột như thế nào.
- Chế độ ăn của bò sữa: Vậy bạn sẽ nói rằng nếu tôi dung nạp được lactose thì vẫn uống sữa bò được đúng không? Hay cho trẻ con uống sữa bò thì vẫn không sao đúng không? Vấn đề là con bò chỉ sản sinh ra sữa khi nó sinh con, và sữa đó chỉ đủ để dùng cho một con bê mà thôi. Vậy bạn nghĩ sao khi cả con người cũng có muốn bú vào bầu vú đó nữa, thì người chăn nuôi phải làm gì để đáp ứng nhu cầu này? Con bò bình thường, chưa cần phải bò hoang, chỉ là bò không nuôi để lấy sữa thôi, thì lượng sữa nó sản xuất ra đã ít hơn gấp nhiều lần so với một con bò sữa rồi. Để bò sữa có năng suất như vậy một là người ta phải lai tạo giống qua hàng ngàn năm để chọn được những giống bò nhiều sữa nhất, và lý do thứ hai không kém phần quan trọng nằm trong chế độ ăn của chúng. Bò sữa được bổ sung hormone estrogen và các hormone sinh dục khác để sản xuất nhiều sữa nhất có thể. Chúng là những cỗ máy sản xuất sữa chứ không phải một con bò nữa. Có con bò nào trong tự nhiên mà lại tiết ra 20 lít sữa một ngày? Khi làm việc ở trại bò, mình đã nhìn thấy nhiều con có vú bất thường, chẳng hạn thay vì 4 ti thì có con có 5 ti, 6 ti, có con ti to ti siêu nhỏ rất không bình thường. Nhưng tỉ lệ bất thường đó lại hết sức bình thường ở những trang trại như vậy và chẳng ai coi đó là vấn đề cả. Mình chỉ đoán thôi, nhưng mình nghĩ đó một phần là do rối loạn hormone sinh dục và lối sống quá sức phi tự nhiên của con bò cái, gây ra những đột biến như vậy. Ai cũng biết rối loạn hormone gây ra những biến đổi khó lường như thế nào đối với cơ thể, và việc uống sữa chính là trực tiếp nạp những rối loạn đó vào người, cái này theo mình là tác hại lớn nhất của sữa. Rối loạn và thừa hormone sinh dục từ việc dùng sữa trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại ung thư, trẻ em dậy thì sớm, lão hoá sớm, và nhiều biến đổi về giới tính nữa. Ngoài ra để phòng tránh bệnh tật, cũng như nhiều ngành chăn nuôi khác, bò sữa cũng nạp một lượng kháng sinh lớn vào cơ thể thông qua thức ăn và thuốc, và lượng kháng sinh này truyền trực tiếp đến sữa mà chúng ta uống.
- Bò cái phải liên tục sinh con: Nếu vấn đề chỉ là hormone và kháng sinh như trên thì có thể bạn sẽ nói rằng vậy tôi uống sữa organic là được đúng không? Kể cả khi các loại sữa organic với nghĩa hoàn hảo theo kiểu bò ăn thức ăn hoàn toàn tự nhiên và không có kháng sinh (mà hiếm khi nó là như vậy, bạn cần phải tìm hiểu kỹ xem nhãn organic trên sữa bạn uống thực sự được áp dụng trong khâu nào) thì việc một con bò liên tục đẻ con không ngơi nghỉ cũng không hề tự nhiên tí nào và ảnh hưởng rất lớn đến sữa mà bạn uống. Hormone sinh dục liên tục được sản sinh trong quá trình này cũng đã là bất thường rồi. Bạn thử nghĩ xem việc mang bầu, sinh con và nuôi con của người phụ nữ có ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể và tâm lý của họ, nhân những gánh nặng này lên nhiều lần và bạn có thể mường tượng áp lực mà con bò sữa phải chịu suốt cả cuộc đời, và chắc chắn những stress đó cũng thể hiện trong sữa của chúng. Việc chúng ta uống sữa của một loài khác mà đáng ra là để nuôi con của chúng là một việc cực kỳ phi tự nhiên, và vì nhu cầu phi tự nhiên ấy mà ngành công nghiệp sữa phải dùng mọi cách trái với tự nhiên để tạo ra đủ sản lượng để cho con người tiêu thụ.
Ba điều trên là những lý do quan trọng nhất vì sao mình chọn không dùng sản phẩm từ sữa động vật. Còn rất nhiều những lý do khác nữa mà mình sẽ chỉ liệt kê dưới đây thôi chứ không đi vào chi tiết, một số vẫn còn đang tranh cãi, bạn có thể tự tìm hiểu nếu muốn biết sâu hơn:
- Sữa gây hại cho xương: Ngành công nghiệp sữa hàng chục năm nay quảng cáo sự giàu canxi của sữa, và đó cũng là lý do nhiều người nghĩ rằng uống sữa là cần thiết. Có những chứng minh đã cho thấy rằng tiêu thụ sữa kéo dài thực ra lại có liên quan đến khả năng gãy xương và loãng xương cao. Nguyên nhân là canxi là chất trung hoà axit, và để cơ thể có thể trung hoà được axit trong sữa thì nó sẽ rút canxi từ nơi dự trữ lớn nhất trong cơ thể, chính là xương. Khiến cho tổng lượng canxi cuối cùng lại ít hơn là khi không uống sữa.
- Cuộc sống tệ hại của những con bò: Bò mẹ đến tuổi dậy thì là bắt đầu được phối để cho mang thai, khi bê con sinh ra là bị cách ly mẹ ngay lập tức và nuôi bằng thức ăn công nghiệp đến nỗi bò mẹ còn không được có cơ hội ngửi hơi con. Đó là con bê cái mới được thế, bê đực thì mới đẻ ra đã đi ngay đến lò mổ vì chúng không có tác dụng gì với những trang trại sữa cả (phối giống được thực hiện trực tiếp bằng tinh trùng cung cấp bởi những trại nhân giống chuyên nghiệp chứ trang trại sữa không nuôi bò đực để làm giống). Sau khi đẻ khoảng 2, 3 tháng bò mẹ lại tiếp tục được phối giống để tối ưu số lần sinh con trong đời, sao cho năm nào nó cũng sinh con. Trong khi mang bầu nó vẫn bị vắt sữa, chỉ trừ vài tháng cuối thai kỳ mà thôi. Hình ảnh những chú bò tung tăng trên cánh đồng bạn thấy trong quảng cáo cũng chỉ tồn tại trong quảng cáo thôi, thực tế hầu hết các trang trại sữa nuôi bò trong chuồng, mỗi con được rào riêng, hôi thối đầy phân và nước tiểu, ăn thức ăn công nghiệp, khoảng không để đi lại còn không có nói gì đến tung tăng gặm cỏ trên cánh đồng.
- Sữa chưa tiệt trùng chứa nhiều vi khuẩn: Lúc làm ở trang trại ở Iceland, sữa vắt ra (bằng máy) được dẫn theo ống đến thẳng một thùng chứa bằng inox lớn, cứ cách ngày sẽ có xe của công ty sữa đến thu mua. Người nhà nếu cần uống sữa cứ ra thẳng thùng đó vặn vòi ra là có sữa ngay, sữa tươi nhất theo nghĩa của tươi, thẳng từ ti con bò đi ra (Ở Việt Nam khi đến một số trang trại bò thì người ta cũng quảng cáo sữa này). Thế nhưng suốt thời gian ở đó mình lại không hề uống một giọt sữa nào. Vì trong quá trình làm mình được thấy cái ti con bò nó bẩn thế nào, dính đầy phân và rơm, trước khi lắp máy hút sữa vào thì cũng có lau qua bằng giẻ nhưng không thể nào mà tiệt trùng được. Nhìn cảnh đó không còn chút cảm giác thèm uống sữa nào luôn. Trên thực tế sữa TƯƠI như vậy chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, và mầm bệnh từ con bò.
- Sữa tiệt trùng rồi thì không còn enzyme: Dĩ nhiên sữa mà ta mua được ngoài thị trường thì đều đã được xử lý rồi, có nhiều mức độ xử lý khác nhau nhưng đều bằng nhiệt, khác nhau ở nhiệt độ và lượng thời gian sữa đi qua nhiệt. Nhiệt độ càng cao trong thời gian càng dài (sữa tiệt trùng – UHT – là mức cao nhất) thì càng diệt được nhiều vi khuẩn, kéo dài thời gian bảo quản, nhưng quá trình đó cũng đã làm mất hết các enzyme có lợi trong sữa rồi. (Lại tham khảo cuốn Enzyme đã nói ở trên).
Cuối cùng, rất dễ để tìm ra những bài báo, bài nghiên cứu phản bác từng điểm trong những điểm trên. Bởi vì ngành công nghiệp sữa là một ngành cực kỳ lớn, họ phải làm mọi cách để chúng ta uống sữa và dùng các sản phẩm từ sữa. Nên hãy cân nhắc khi gặp bất cứ thông tin gì đó (kể cả bài này), suy nghĩ xem nó đang cố nói với ta điều gì, và nếu ta làm thế thì ai sẽ có lợi.