Vụ xả súng ở Charlie Hebdo và quyền tự do ngôn luận
Việc những nhân viên, nhà báo và họa sĩ của tạp chí Charlie Hebdo bị bắn vào ngày 7/1 là một thảm họa đau lòng không một ai mong muốn xảy ra. Những kẻ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn vốn bắt nguồn từ hành động phi bạo lực là những kẻ khủng bố cực đoan không xứng đáng đại diện cho một tôn giáo nào. Việc xác định kẻ ác và nạn nhân trong vụ việc này đã quá rõ ràng, và cũng không phải chủ đề mình muốn nói đến. Mình muốn nói đến quyền tự do ngôn luận, vốn là lá cờ chính nghĩa mà Charlie Hebdo muốn giương lên. Không biết có thể thật sự tồn tại một thứ gọi là quyền tự do ngôn luận không, hay đó cũng chỉ là một trong những ảo giác chúng ta tự lừa mình để tự cảm thấy tốt đẹp hơn, như chủ nghĩa xã hội chẳng hạn?
Quyền tự do ngôn luận, hay rộng hơn là quyền tự do diễn đạt, được thừa nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền:
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.
Điều này cũng được nhắc lại trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đã được thông qua bởi hầu hết các nước trên thế giới. Không thể phủ nhận nhu cầu được tự do diễn đạt là một nhu cầu có thật, thậm chí bức thiết. Từ cách mạng dân chủ Pháp 1789, hàng triệu người trên khắp các cuộc cách mạng thuộc nhiều thể thức chính trị khác nhau đã đổ máu để đòi quyền được nói lên những gì mình nghĩ. Theo Alexander Meiklejohn, có tự do ngôn luận thì mới có dân chủ thực sự, vì dân chủ là khi người dân có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, và điều này chỉ có được khi minh bạch về thông tin và tranh luận công khai được đảm bảo.
Tự do ngôn luận là điều ai cũng mong muốn, nhưng cũng giống như dân chủ, giống như tự do nói chung, không nên hiểu tự do ngôn luận là có quyền nói BẤT KỂ thứ gì. Điều này hoàn toàn có thể, nhưng không phải trong một thế giới hòa bình chúng ta đang cố gắng xây dựng. Giống như một người sống trong một đất nước *được cho là* tự do, vẫn phải hành động trong khuôn khổ của pháp luật và quy định của nước đó. Một người tự do không có nghĩa anh ta có thể xâm phạm đến quyền lợi của người khác. Tự do ngôn luận cũng vậy, nhưng vấn đề là đâu là ranh giới?
Ngay trong chính Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, trong phần về quyền tự do diễn đạt cũng nói rõ quyền này đi kèm với những nhiệm vụ và trách nhiệm, vì thế sẽ có những hạn chế để đảm bảo quyền và danh dự của người khác, “đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức và những lợi ích của xã hội nói chung”. Trên thực tế, có rất nhiều luật hạn chế tự do ngôn luận, để ngăn chặn các hành vi như hạ danh dự, vu khống, xâm phạm tác quyền, tiết lộ bí mật thương mại, bí mật quốc gia, xâm phạm quyền riêng tư, v…v… và như ở Việt Nam có thêm đặc thù mang tên “ảnh hưởng thuần phong mỹ tục”.
Anyway, như thế để thấy là mặc dù tự do ngôn luận là quyền cơ bản, nhưng cũng chính vì là quyền cơ bản nên nó sẽ bị override bởi các quyền khác. Quay lại chuyện ở Charlie Hebdo, vụ việc xảy ra bởi vì những bức tranh biếm họa chế nhạo nhà tiên tri Muhammad được đăng rất nhiều lần bởi tạp chí này. Charlie Hebdo cũng nhiều lần đăng tranh biếm họa mô phỏng các nhân vật trong các tôn giáo khác để chứng minh rằng họ không tấn công riêng vào đạo Hồi, hay bị chứng sợ đạo Hồi (Islamophobia). Ngay cả ở Pháp, nhiều người, kể cả đồng nghiệp ở các báo khác, cũng không thích cách “gây hấn” này của Charlie Hebdo. Tạp chí này đã nhiều lần được khuyên không nên đăng những tranh như vậy, và Paris quả thật cũng đã phải siết chặt an ninh hơn mỗi lần Charlie đăng hình chế nhạo Muhammad. Charlie Hebdo cũng tự nhận mình là “một tờ báo vô trách nhiệm”. Có thể thấy rõ họ không hề phạm luật của Pháp, nhưng cũng không đóng góp những tiếng vang lớn cho nền báo chí nước này. Điều duy nhất mà Charlie Hebdo có vẻ cố làm, đó là thử sức chịu đựng của xã hội, đẩy xã hội đến mức độ giới hạn để xem điểm chịu đựng này là bao nhiêu, để xem cuối cùng xã hội có từ bỏ những lời hứa đối với quyền tự do ngôn luận để đổi lấy một trật tự yên bình hơn hay không. Và họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Rõ ràng cái chết của những người ở Charlie Hebdo là cái giá quá đắt mà họ không đáng phải trả. Nhưng nó dấy lên câu hỏi muôn thuở từ thời xã hội loài người bắt đầu hình thành thể chế nhà nước: đâu là điểm dừng của tự do ngôn luận, và giữa quyền tự do ngôn luận và trật tự xã hội, cái nào quan trọng hơn?
Chẳng hạn, tự do ngôn luận có đáng không, khi những điều nói ra biết chắc chắn sẽ xúc phạm và làm tổn thương người khác? Charlie Hebdo cho rằng Muhammad, hay Jesus, hay Allah, hay Phật, cũng đều phải chịu những sự đánh giá như người bình thường. Nhưng nếu một xã hội đã chấp nhận tự do tôn giáo, chẳng phải là đã chấp nhận tồn tại những niềm tin phi logic của những nhóm người khác mình hay sao? Đã phi logic thì đâu cần phải phán xét. Những tranh biếm họa lãnh tụ tôn giáo về cơ bản không có giá trị gì về mặt hài hước, vì nếu nhân vật là những người bình thường thì chẳng ai thấy buồn cười. Chẳng qua nó tạo cảm giác lệch lạc khi đem những hình tượng người khác tôn sùng ra làm những hành động của con người bình thường, hoặc thậm chí thô tục, nên nó gây cười. Nó giống như việc người ta làm hài bằng cách cho nam đóng giả nữ. Vì sao chúng ta lại cười việc nam giả nữ, chứ chưa bao giờ cười việc nữ đóng giả nam? Phải chăng bởi vì trong tiềm thức sâu thẳm chúng ta vẫn cho rằng nữ là giới tính cấp thấp hơn so với nam? Phải chăng chúng ta lấy hình tượng tôn giáo ra đùa vì cho rằng vô thần mới là văn minh?