Những bài học cuộc sống từ môn bắn cung

Bắn cung là môn thể thao không những rèn luyện thể lực mà còn cả trí lực nữa. Người bắn cung cần tập trung và tâm trí cần đạt đến một trạng thái thiền nhất định mới có thể có thành tích tốt. Tập luyện bắn cung, trong lòng nghĩ về những bài học cuộc sống mà môn này đang dạy cho mình.

Nguồn: https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Kyudo_or_the_way_of_archery.jpg 

 

  1. Thắng không kiêu, bại không nản

Bài học lớn nhất trong bắn cung có lẽ là đừng vội mừng khi bắn trúng đích, và cũng đừng để những mũi tên đi lạc làm ảnh hưởng tinh thần. Mỗi mũi tên có một số phận riêng, bạn bắn trúng một lần không đảm bảo bạn sẽ trúng cả mười lần, vì thế đừng vội kiêu ngạo và chủ quan, nếu không chắc chắn sẽ nhìn thấy ngay hậu quả trong mũi tên sau. Khi bắn trượt cũng vậy, cái gì đã qua rồi thì không thể làm lại, nhưng bạn hoàn toàn có thể quyết định cách bạn bắn những mũi tên tiếp theo. Cung thủ phải như những người chơi cờ vây; khi kết thúc một ván cờ vây chuyên nghiệp nếu chỉ nhìn vào nét mặt của hai người chơi thì không thể đoán được ai thắng ai thua, bởi người thắng không hò reo ăn mừng, người thua không tức giận la lối, họ chỉ cúi chào nhau một cách bình thản.

  1. Một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến một hậu quả lớn

Đối với bắn cung, bất cứ thay đổi nào trong tư thế, lực, cách nhả dây, cách cầm cung, cách ngắm… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đường đi của mũi tên. Mỗi khi giương cung lên, có một checklist tự động chạy qua trong đầu bạn để điều chỉnh từng bộ phận cơ thể cho đúng nhất với tư thế đã được học. Nếu bạn đúng gần hết mà chỉ sai một điều, mũi tên cũng có thể chệch đi rất xa so với điểm bạn mong muốn. Trong cuộc sống cũng vậy, một hành động nhỏ tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng có khi lại có ảnh hưởng rất lớn, bất kể tích cực hay tiêu cực, bởi thế, luôn phải chú ý đến tiểu tiết.

  1. Khả năng thành công cao nhất khi cơ thể và tâm trí đều thả lỏng

Qua nhiều lần tập, mình nghiệm ra rằng những lần mũi tên trúng hồng tâm đều là khi cơ thể và tâm trí được thoải mái nhất. Cầm cung không phải cứ nắm cho thật chắc là tốt, cầm phải như không cầm, cung chỉ tì vào lòng bàn tay chứ các ngón tay không được nắm chặt. Cánh tay cầm cung cũng vậy, không phải cứ thẳng băng hết cỡ là tốt, cánh tay và vai phải thả lỏng, khuỷu tay không được quá cong ra nếu không sẽ bị dây cung đập vào gây thương tích. Nói thì dễ nhưng thả lỏng không hề dễ dàng, đến cuối buổi thành tích thường kém hơn lúc đầu bởi tay đã mỏi, cơ đã căng chứ không còn thư giãn nữa. Chính vì vậy đối với bắn cung cứ mỏi là nghỉ, không nên gắng sức bởi vì càng cố gắng kết quả sẽ càng tệ hơn mà thôi. Tâm trí cũng vậy, khi bị áp lực hoặc khi đang lo nghĩ chuyện khác đương nhiên sẽ rất khó để bắn trúng hồng tâm. Nói thế không có nghĩa là chỉ bắn ở nhà thì giỏi, đi thi thì luôn thất bại, mà cung thủ giỏi phải là người coi mọi áp lực nhẹ tựa lông hồng, một khi đã giương cung lên không còn lo nghĩ đến chuyện gì khác.

  1. Đừng so sánh mình với người khác

Cũng như đừng để mũi tên hiện tại bị ảnh hưởng bởi kết quả trong quá khứ, đừng để bị phân tâm bởi thành tích của người khác. Sáu bảy người có thể đứng sát nhau cùng tập bắn, nhưng hãy cố tập thói quen đừng nhìn vào kết quả của những người bên cạnh, ít nhất cho đến lúc mình bắn hết lượt. Họ có hơn hay có kém ta không làm cho ta bắn khá lên được, chưa kể một vài mũi tên không nói lên được điều gì cả. Bắn cung là một môn hết sức cá nhân, mình luôn thi đấu với chính bản thân mình, khi chưa được 10 điểm thì luôn mặc định là thua.

  1. Đừng vội đánh giá người khác trên kết quả mình nhìn thấy

Xem người khác bắn, rất dễ để sa vào kết luận rằng họ bắn dở hơn mình nếu thấy họ bắn chệch. Nhưng khả năng của con người không dựa vào chỉ năm bảy mũi tên, bắn cung là môn phụ thuộc nhiều vào phong độ, đường dài mới biết ngựa hay. Chưa kể, có những yếu tố nằm ngoài tấm bia mà có thể mình không nhìn thấy, có thể họ đang dùng một cây cung rất nặng, nếu đúng là thế có khi với thành tích này có nghĩa là họ đã giỏi hơn ta rồi. Có thể họ đang thử một cây cung mới, một cự ly mới. Có thể họ đang có những chấn thương, hoặc đang có những mối lo nghĩ về công việc, gia đình làm ảnh hưởng đến kết quả. Trong cuộc sống cũng vậy, đừng vội đánh giá người khác, ai cũng có những câu chuyện đằng sau, ai cũng có cuộc đấu tranh của riêng mình.

  1. Có trách nhiệm với từng mũi tên bắn ra

Mỏi thì nghỉ, nhưng đã bắn thì phải bắn nghiêm túc. Cung tên là vũ khí sát thương, mỗi lần giương cung lên phải đảm bảo đầy đủ an toàn mới được bắn, mỗi lần bắn là một lần rút kinh nghiệm để điểu chỉnh cơ thể và trí óc nên cần phải được dồn toàn tâm toàn ý. Trong cuộc sống, không làm thì thôi nhưng khi đã làm gì luôn phải có trách nhiệm với nó, dồn hết tâm ý để làm tốt nhất có thể, cũng như nhận trách nhiệm nếu xảy ra sai sót.

Nói chung, bắn cung dạy ta phải khiêm nhường, lạc quan, sống 100% cho hiện tại, cảm thông với người khác và nghiêm khắc với bản thân mình. Người bắn cung giỏi chính là người ngộ được những điều đó, tâm trí phẳng lặng như mặt hồ không bị tác động bởi bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào. Nói không quá thì bắn cung cũng chính là thiền vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *