Âm hưởng Thiên An Môn

Ti-Anna Wang speaking at ISFiT 2015 - Image courtesy of foto.samfundet.no
Ti-Anna Wang nói chuyện tại ISFiT 2015 – Nguồn ảnh: foto.samfundet.no

Một ngày một năm trước khi mình sinh ra (nhắc khéo sinh nhật), ngày 4/6/1989, là ngày rất nhiều người Trung Quốc, và cả người Việt Nam, khó có thể quên, khi tiếng gọi tự do dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn được đáp lại bằng bạo lực dưới hình thức dã man nhất. Năm 2012, đứng trước quảng trường Thiên An Môn với bức hình Mao Trạch Đông to khổng lồ, mình tự hỏi không biết những người khách du lịch kia, những chiến sĩ cảnh sát đứng tại đó, họ có bao giờ nghĩ Trung Quốc liệu sẽ thế nào nếu 26 năm trước sự việc diễn biến khác đi.

Mình chẳng dám bàn chuyện hệ trọng, chẳng thể nhận đủ hiểu biết để phán xét những bước ngoặt của lịch sử, nhưng hôm nay, nhân ngày 4/6, mình (đáng ra phải đi viết essay môn Luật) xin phép kể hai câu chuyện nhỏ có liên quan đến Thiên An Môn trong cuộc đời con con của mình.

Tháng 2 năm nay mình được tham dự Liên hoan Sinh viên Quốc tế ở Nauy, sự kiện dành cho sinh viên lớn nhất thế giới 2 năm một lần tổ chức ở Trondheim, gọi tắt là ISFiT, và chủ đề năm nay là tham nhũng. Được tham gia ISFiT là vinh dự lớn của bất cứ sinh viên nào, vì 11 ngày ở Trondheim bọn mình được chìm đắm trong không khí của sự nhiệt huyết, tràn ngập những ý tưởng, não liên tục được kích hoạt với vô số buổi thảo luận căng thẳng, và đặc biệt, ISFiT là cơ hội cho bọn mình được gặp gỡ với nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Mình được gặp Đạt Lai Lạt Ma, nhân vật này quá lớn không thể tả nổi, Peter Eigen, đồng sáng lập Transparency International, Jonathan Shapiro, cựu cán bộ của World Bank chuyên giám sát sự minh bạch của các dự án do WB tài trợ, Sony Kapoor, nhà kinh tế học và giám đốc điều hành của một think tank quốc tế có tên Re-Define, Aayat al-Qurmezi, chủ nhân của Student Peace Prize 2015 với những đóng góp cho cuộc đấu tranh dân chủ ở Bahrain, và rất nhiều rất nhiều nhân vật ấn tượng khác nữa. Kể như thế để nói rằng, với tất cả những nhân vật tầm cỡ như vậy, người làm mình lay động nhất, ấn tượng nhất, lại là một cô gái nhỏ bé chỉ hơn mình đúng một tuổi, không thành tích cao sang, không địa vị gì lớn lao, bài nói chuyện của cô ấy được xếp cùng với hai người khác, vào một trong những ngày cuối cùng của sự kiện.

Ti-Anna Wang sinh năm 1989, đúng vào năm sự kiện Thiên An Môn diễn ra, nhưng tại Canada. Bố cô, Binhzhang Wang (Vương Bính Chương), sinh ra tại Trung Quốc, học trường Đại học Y Bắc Kinh, sau đó được học bổng sang Canada làm tiến sĩ, và lập gia đình, sinh con tại đây. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như Bingzhang không phải đồng thời cũng là một nhà hoạt động tự do dân chủ của Trung Quốc. Mặc dù định cư tại Canada, ông vẫn tham gia vào nhiều hoạt động dân chủ trong nước, điển hình là đồng sáng lập đảng Dân chủ Tự do và đảng Công bằng Dân chủ Trung Quốc, công khai phản đối hình thức độc đảng cầm quyền. Bingzhang có lẽ cũng tham gia sự kiện Thiên An Môn, hoặc có thể không, cũng chẳng quan trọng, bởi vì có trực tiếp tham gia hay không thì chắc chắn ông cũng về phe ủng hộ quyền tự do bày tỏ chính kiến. Năm 2002 ông bị đặc vụ TQ bắt tại Việt Nam, sau đó bị tuyên án tù chung thân.

Mặc dù xung quanh câu chuyện của Bingzhang đầy những khuất tất về bằng chứng, về sự công bằng, về quyền tự do ngôn luận, về hệ thống tư pháp, về đủ thức tốt đẹp khác đáng ra phải có trong một xã hội tự nhận là dân chủ, nhưng nó chẳng có gì đặc biệt với người dân Trung Quốc, và cả Việt Nam. Chuyện tù nhân lương tâm là chuyện cơm bữa đến nỗi những người có chút tâm huyết cũng khó mà nhớ hết nổi tên những người bị bắt. Câu chuyện đáng nói ở đây là câu chuyện của Ti-Anna, con gái của Bingzhang, người mang quốc tịch Canada, ở một mặt nào đó đã không còn nằm trong tầm kiếm soát của chính phủ TQ, nhưng cuộc đời vẫn không tránh khỏi dính vào con đường vô vọng mà bố cô đã đi.

Gần chục năm nay, Ti-Anna dành cuộc đời mình để đi khắp các sự kiện như ISFiT, gõ cửa các chính trị gia, tham gia đủ mọi phong trào, trở thành một nhà diễn thuyết và một nhà hoạt động dân chủ bất đắc dĩ, chỉ với một mục đích có thể vận động cho bố mình được thả tự do. Theo lời cô kể, ông Bingzhang càng về sau này càng có biểu hiện sức khỏe thể chất và tâm thần giảm sút, do điều kiện giam giữ ngày càng ngặt nghèo, thậm chí giam một mình 24/24 trong buồng tối không được tiếp xúc với bất kì ai. Một năm người thân chỉ được phép vào thăm ông hai lần, mỗi lần 30 phút, nhưng Ti-Anna với những hoạt động của mình cũng đã bị cấm nhập cảnh vào TQ và nhiều năm nay chưa hề được gặp bố.

Ti-Anna, người được đặt tên chính từ chữ Thiên An trong Thiên An Môn, và rất nhiều những đứa con của các tù nhân chính trị TQ khác, là một thế hệ những nhà hoạt động tự do dân chủ bất đắc dĩ. Cô nói mình không có lựa chọn, rằng dù là một người hướng nội và không hề hợp với việc làm diễn giả, cô vẫn phải đi theo con đường này, bởi vì đó là bố mình, và cô có trách nhiệm làm hết sức mình, cho dù có vô vọng đến đâu, để đòi một cuộc sống công bằng hơn cho bố. Khi được hỏi cô có thân thiết với bố không, Ti-Anna thành thực trả lời rằng không. Bố cô bận rộn với các hoạt động chính trị và gần như không mấy khi ở với gia đình tại Canada, cô lớn lên với rất ít kỉ niệm về bố. Nhưng đã như một định mệnh, số phận của cô là số phận của một người con dành cuộc đời mình để giải quyết những ảnh hưởng của một chế độ.

Trong cả 11 ngày ISFiT, có không biết bao nhiêu người mình khâm phục, bao nhiêu người mình kính trọng, nhưng Ti-Anna là người đầu tiên mà sau bài nói chuyện của cô ấy, mình không đừng được mà phải chạy xuống sân khấu, chỉ để ôm cô ấy một cái. Mặc dù chẳng có hoàn cảnh cá nhân giống nhau, nhưng là người Việt Nam, mình cảm thấy mình chia sẻ hết những sự vô vọng trong cuộc đấu tranh này, và quá cảm phục sự kiên trì bền bỉ của những nhà hoạt động trẻ như Ti-Anna.

Câu chuyện thứ hai, rất ngắn. Trước đây cô giáo chủ nhiệm của mình là một người mình cũng khá quý và nể trọng. Một ngày, đợt đấy đang bắt đầu rộ lên ý thức về chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa, cô đọc cho cả lớp nghe văn bản của Sở gửi đến các trường cấm học sinh tham gia biểu tình, và cô lấy ví dụ Thiên An Môn để răn đe cả lớp về hậu quả sẽ xảy ra nếu bọn mình “nghe theo lời bọn phản động”. Kể từ giây phút cô nói “vụ Thiên An Môn xảy ra vào năm 2001”, tất cả những lời của cô cho đến hết những năm sau này mình không còn nghe thấy gì nữa.

Hai câu chuyện gần như chẳng liên quan gì đến nhau, chỉ là cảm nhận của một người thế hệ hậu Thiên An Môn, và về một người thế hệ hậu Thiên An Môn. Mình viết những dòng này trong khi bạn Trung Quốc cùng nhà ở phòng bên đang Skype về nhà với bố mẹ rất sôi nổi. Gần như chắc chắn trong câu chuyện ấy không ai đề cập đến ngày 4/6 26 năm trước. Gần như chắc chắn hơn nữa là bạn Trung Quốc này, chỉ sinh sau sự kiện đó khoảng 3, 4 năm, nhưng có lẽ còn không biết có một hình ảnh khác về quảng trường Thiên An Môn trong con mắt thế giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *