13 điều phải đau đầu trước đám cưới
Tháng 9 rồi, các em nhỏ đã cắp sách đến trường, trung thu cũng đã qua, là lúc ngành công nghiệp cưới hỏi vào mùa rộn ràng nhất trong năm. Đám cưới đối với người này có thể chỉ là một thủ tục, nhưng đối với người khác lại có thể là ước mơ cả đời, và chắc chắn nhiều người không khỏi đau đầu trước một mớ quyết định phải đưa ra. Nhân dịp vẫn còn đang hừng hực khí thế cưới hỏi từ tháng 7, mình xin chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được từ đám cưới của bọn mình, mong là sẽ giúp được phần nào những cô dâu chú rể đang phải vò đầu bứt tai chuẩn bị:
1. Ngày cưới:
Việc xem ngày cưới bọn mình nhờ cả vào bố mẹ hai bên, vì bản thân bọn mình không quan trọng vấn đề này và cũng muốn để bố mẹ được thoải mái. Tùy từng gia đình nhưng đối với nhà mình thì giao hẳn việc này cho một bên nhà trai hoặc nhà gái đi xem rồi mọi người thống nhất làm theo, tránh việc lắm thầy nhiều ma chưa cưới mà đã có nhiều ý kiến bất đồng. Vì mình đi học xa và chỉ về được mấy tháng hè nên mình chỉ có yêu cầu duy nhất là ngày cưới nên vào ngày cuối tuần, và xa ngày mình về một chút để có đủ thời gian chuẩn bị. May mắn là trong số các ngày thầy đưa ra chọn được đúng ngày hội đủ các yếu tố, nên cuối cùng ai cũng vui vẻ.
2. Địa điểm:
Nếu bạn ở Hà Nội, bạn mời tầm 500 – 700 khách, và ngân sách cho cỗ cưới của bạn chỉ ở tầm trung, như bọn mình, thì có rất ít lựa chọn về địa điểm. Mình không thích khách bị chia nhỏ ra nhiều phòng, nên những địa điểm hạng trung (không phải khách sạn 5 sao) đủ rộng để chứa hơn 500 khách trong một phòng là rất ít. Mình hài lòng về địa điểm mình chọn, nhưng không phải hài lòng hoàn toàn. Ngoài mức giá, các bạn cần chú ý về không gian phòng cưới (thoáng khí, nhiều ánh sáng, không bị chắn bởi nhiều cột kèo, v…v…), thực đơn, và các dịch vụ đi kèm. Đối với bọn mình, sự chuyên nghiệp của đơn vị cho thuê địa điểm cũng rất quan trọng, bởi đám cưới mỗi nhà một khác, lại có rất nhiều yêu cầu phát sinh, nên nếu làm việc với đối tác không linh hoạt hoặc thậm chí cứ cái gì phát sinh lại thêm vài triệu thì rất mệt mỏi và khó chịu.
3. Thiệp cưới:
Mặc dù đã xác định từ đầu là thiệp cưới một tờ đơn, theo phong cách đơn giản, trang nhã nhưng vẫn phải độc đáo, song bọn mình cũng mất khá nhiều thời gian nâng lên đặt xuống các thiết kế khác nhau. Vì có nhiều thời gian chuẩn bị từ trước nên mình định tự thiết kế thiệp cưới, bằng cách mua clip-art thiết kế sẵn trên mạng (mình mua từ Etsy.com) và sắp xếp thành thiệp của riêng mình, nhưng sau rất nhiều tháng theo đuổi ý tưởng này và vẫn không ưng ý, bọn mình quyết định mua cả thiết kế (depositphotos.com) và chỉ tinh chỉnh lại. Mặc dù rất yêu thích việc thiết kế nhưng mình nhận ra có những thứ vẫn phải để cho người chuyên nghiệp làm, mình không thể tham lam ôm hết việc được. Đây cũng chính là một trong những bài học lớn nhất mình học được trong công đoạn chuẩn bị cho đám cưới.
Câu chữ trong thiệp mời đám cưới cũng nên được trau chuốt cẩn thận. Mình muốn bố mẹ hai bên cũng có thể dùng thiệp này, không thích phụ huynh phải đi mua thiệp riêng kiểu truyền thống để mời, nên bọn mình phải hỏi ý kiến các bố mẹ thật cẩn thận để duyệt phần câu chữ. Thiệp của bọn mình bỏ phần mời dự lễ thành hôn, chỉ mời tiệc, vì bản thân mình thấy phần này chỉ có ý nghĩa rập khuôn từ mẫu thiệp hàng chục năm trước chứ ở thời điểm này không còn giá trị thông tin nhiều. Bên trong thiệp cưới bọn mình cũng tạo một QR code, khi quét sẽ hiện ra đường link dẫn đến trang web đám cưới của bọn mình tại truongthuyngan.daohoangson.com hoặc daohoangson.truongthuyngan.com.
Rất nhiều người hỏi mình thiệp này được làm ở đâu và đắt tiền không, đến khi mình trả lời thì nhiều người không tin thiệp cưới độc đáo lại rẻ đến thế. Phí subscription trên depositphotos rất rẻ, 75$ có thể download được 200 design, nên nếu tính chi li thì phí mua thiết kế này chưa đến 0,4$. Tất cả các phần design còn lại trên thiệp và phong bì bọn mình đều tự làm nên chi phí 0 đồng. Thiệp và phong bì được đặt in tại xưởng in tận gốc, với giá hạt dẻ 2.800 đồng/bộ. So với chi phí thiết kế và in thiệp bên ngoài có khi lên đến 15.000 – 20.000đ/bộ, lại vẫn đụng hàng, thì mình cực kì hài lòng với phương án này. Mấu chốt để tiết kiệm là nên tự thiết kế, sau đó tìm đến các xưởng in tận gốc chứ không qua các cửa hàng bán thiệp hay dịch vụ in thiệp chuyên dành cho đám cưới. Mình may mắn được giới thiệu xưởng in Thiên Nam số 91 Lĩnh Nam, là nơi chuyên in postcard và tờ rơi, chị giám đốc rất nhiệt tình xởi lởi, và chắc cũng chỉ có 2 đôi bọn mình là duy nhất từ trước đến nay in thiệp cưới ở đây 😀
Bonus: Nếu học tập phong tục đám cưới của phương Tây, ngoài thiệp cưới còn có thiệp Save The Date (gửi hàng tháng trước đám cưới) và thiệp cảm ơn (gửi sau đám cưới). Bọn mình cũng tự thiết kế thiệp Save The Date , và tuy không gửi bưu điện đến tận tay từng người, nhưng cũng đăng lên mạng để bạn bè biết trước ngày cưới.
4. Bộ ảnh cưới:
Vấn đề với bộ ảnh cưới của bọn mình không phải chụp ở đâu, studio nào, mà vấn đề lớn nhất đó là có muốn chụp ảnh cưới hay không. Bọn mình không phải là fan của chụp ảnh pre-wedding lắm vì quan điểm thích mọi thứ phải tự nhiên, ít sắp đặt nhất có thể, và bộ ảnh nếu có chụp phải mang ý nghĩa chứ không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ. Nhưng ngoài ra, quan trọng nhất cũng phải nói là do bọn mình pose ảnh rất dở 😀
Băn khoăn mãi cuối cùng mình vẫn quyết định là nên chụp một bộ, để nhỡ sau này có nghĩ lại thì không phải tiếc. Bọn mình không đầu tư nhiều vào mục này, và chỉ chụp nửa ngày trong một trường quay tại Hà Nội.
Bonus: Ý tưởng cho cô dâu chú rể nào cũng không thích chụp ảnh cưới lắm vì cũng không ăn hình như bọn mình: Bọn mình đã định làm một quyển sách ảnh dạng comic để kể câu chuyện tình yêu 5 năm, sau đó thay vì làm album khổ lớn dày cộp đặt ở sảnh cưới thì in thành nhiều bản để tặng cho khách đến dự. Công nghệ đã có sẵn, sách cũng đã lên được vài trang, tuy nhiên vì cạn kiệt ý tưởng (?!) và thấy hơi rủi ro về thái độ của những người được nhận nên kế hoạch hoành tráng này đã bị hủy 🙁
5. Trang phục cho cô dâu và chú rể:
Được tổ chức đám cưới theo ý của riêng mình là một trong những ước mơ lớn của mình từ thời bé. Mình mê mẩn các loại váy cưới và từ lâu cũng đã chọn được chiếc váy mình muốn mặc trong đám cưới của chính mình. Hành trình dài của chiếc váy này từ mơ ước đi đến thành hiện thực được mình kể ở đây. Váy được may bởi lamnhi studio.
Chú rể nhà mình được chỉ đạo mặc comple đen và đeo nơ đen (dĩ nhiên trong mơ ước của mình chú rể sẽ mặc tuxedo có cả waist coat, nhưng bạn hãy cưới rồi sẽ biết ở VN chẳng có gì phải thỏa hiệp nhiều bằng đám cưới của chính mình B-) ). Nhưng mình vẫn muốn cầu kì một tí, thay vì nơ cài thắt sẵn mình muốn mua nơ tự thắt, không ngờ một thứ tưởng chừng như đơn giản như thế mà khắp Hà Nội rất nhiều nơi không có. Cuối cùng bọn mình tìm được một hàng có bán nơ tự thắt bằng lụa ở phố Hàng Gai. Tưởng thế là ngon lành, ai ngờ đến lúc về tập thắt mới thấy nơ này may không chuẩn tỉ lệ nên không thể dùng được. May mà cuối cùng sự cố trang phục này của chú rể đã được cứu vãn bằng một người bạn ở Pháp mua hộ nơ gửi về, nơ vẫn tự thắt nhưng có thể điều chỉnh được độ dài cho vừa với cổ.
6. Hoa tay cầm cho cô dâu:
Ngoài váy cưới, một ước mơ lớn khác của mình cho ngày cưới đó là tự làm được bó hoa cầm tay bằng kim loại (brooch bouquet). Đây là một hành trình kéo dài cả một năm, với sự trợ giúp của rất nhiều người từ nhiều nơi trên thế giới. Series bài về brooch bouquet xin xem ở đây, mình sẽ sớm bổ sung bài cuối cùng về công đoạn gian nan để ráp các bông hoa lại với nhau. Đáng ra hoa cài áo chú rể cũng nên bằng kim loại để tông xuyệt tông với hoa cầm tay của cô dâu, nhưng mình không tính trước điều này nên đã quên không mua một chiếc brooch manly một chút cho chú rể đeo. Chú rể vì vậy dùng hoa tươi cùng tông với hoa xe, và thêm một mảnh ruy băng cùng màu với hoa cầm tay của mình.
7. Trang trí phòng cưới:
Trang trí phòng tân hôn là một trong những hạng mục quan trọng của đám cưới. Nhà mình cực kì may mắn vì có các cô khéo tay và có gu thẩm mỹ tốt, nên phần này mình yên tâm giao cho cô tự lên ý tưởng và thực hiện. Lúc cả đoàn nhà gái vào xem phòng cưới cũng là lần đầu tiên mình được chiêm ngưỡng tác phẩm này. Căn phòng tràn ngập hương hoa, nến và lá thông, quả thật phải cảm ơn các cô và chị rất nhiều khi lặn lội ra chợ hoa giữa đêm, lùng sục khắp thành phố để tìm các loại phụ kiện, và mất hơn nửa ngày để tạo nên căn phòng này. Ngoài ra, bản thân bộ ga gối cũng là một tác phẩm nghệ thuật được vẽ bằng tay bởi Lisa May Home.
9. Trang trí tại sảnh cưới:
Vì không muốn bỏ nhiều tiền ra thuê dịch vụ trang trí đám cưới của các công ty wedding planner nên mình nhờ bạn thân trang trí bàn đón khách tại sảnh cưới. Theme colour cho đám cưới của mình là xanh turquoise nên từ trước đó mình đã nhặt nhạnh các đồ trang trí màu turquoise để đem về. Tuy còn rất nhiều ý tưởng chưa làm được, nhưng mình cũng khá hài lòng với bàn đón khách, ít ra đó là công sức và ý tưởng của mình và những người thân yêu, và không thể bỏ tiền ra mua được.
Hầu hết tất cả những hạng mục trang trí trong đám cưới, ngoài bố trí sẵn có của nhà hàng ra, đều là do bọn mình hoặc người nhà thực hiện. Ngay cả khánh tên treo tại nhà trai và nhà gái cũng là bọn mình tự thiết kế và in để có được đúng tông màu turquoise. Một thứ nữa mà mình cũng nhận được rất nhiều lời khen đó là phông chụp ảnh (backdrop). Thiết kế này cũng được mua tại depositphotos.com, bọn mình chỉnh lại màu nền sang màu turquoise, thay đổi một số họa tiết và thêm khánh tên. Ngoài ra bên cạnh tấm backdrop mình cũng treo một giỏ đồ photobooth prop, mọi người chụp ảnh có thể lấy ra nghịch. Tất cả chỉ với hi vọng đám cưới của mình sẽ là một kỉ niệm vui vẻ đối với mọi khách mời.
10. Chương trình cho đám cưới:
Chương trình cho một đám cưới tại Việt Nam rất đặc thù, không thể bắt chước các bạn Tây được. Người Việt và đặc biệt là người miền Bắc quan niệm “đi ăn cưới”, nghĩa là khi ăn xong cũng là đám cưới kết thúc và họ sẽ ra về. Đặc điểm văn hóa này, cộng với rất nhiều thủ tục trong đám cưới như làm lễ, đi chúc rượu, khiến cho việc khuấy động không khí đám cưới miền Bắc rất khó vì bó hẹp về thời gian. Việc quản lý tốc độ ăn bằng cách căn thời gian khi đưa từng món ra cũng rất khó thực hiện vì người đi ăn cưới đã quen với việc mâm cỗ được dọn sẵn ra khi họ ngồi vào bàn, và nhiều người, trong đó có mình, không dám mạo hiểm làm phật ý khách bằng cách thay đổi điều này. Việc chưa căn được thời gian chuẩn là một trong những điều mình thấy tiếc nhất trong đám cưới, nhà mình thậm chí không đủ thời gian để cả hai nhà đi từng bàn, và xong phần chúc rượu thì một số người đã bắt đầu ra về rồi. Nếu được làm lại, mình sẽ bắt đầu phần làm lễ sớm hơn, cắt giảm các chi tiết, và lên chương trình cụ thể hơn cho đám cưới.
Bọn mình cũng đã nghĩ đến việc đọc vow (lời thế nguyền) trong đám cưới. Không phải chỉ để bắt chước phong tục của Công giáo, mà bởi vì mình thấy hành động này thực sự xúc động và có ý nghĩa. Tuy nhiên cuối cùng việc này không thực hiện được. Và quả thật lúc bước vào làm lễ không hiểu sao bọn mình đã rất run rồi, nếu phải đọc vow không biết có làm nổi không nữa.
Âm nhạc phải nói là cũng là một điều đáng tiếc khi list nhạc mình chuẩn bị đã không được play hết, do mình chủ quan và nói thật là quên mất, không làm việc trước với bộ phận âm thanh của nhà hàng, mà chỉ nhờ người nhà đảm nhận. Lời khuyên của mình là nếu bạn muốn có âm nhạc theo ý của riêng mình, hãy thảo luận trước với người phụ trách âm thanh, và thậm chí có thể bồi dưỡng họ một chút để họ không làm khó cho mình, vì dù sao mình cũng nhờ họ vượt ra ngoài bổn phận công việc thường ngày của họ.
Nhưng dù sao, tại đám cưới của mình, ở những lúc quan trọng nhất âm nhạc cũng được theo ý mình muốn. Khi đoạn dạo đầu bài “A thousand years” vang lên lúc bọn mình bước vào khán phòng là lúc tất cả những cảm xúc của đám cưới, sự nhận ra cuộc sống của mình sẽ thay đổi từ đây đánh thức mình, và là lúc mình xúc động nhất trong cả ngày hôm đó. Đó chính là phút giây thiêng liêng nhất trong cả đám cưới đối với mình, và âm nhạc đã giúp khuếch tán cảm xúc lên rất nhiều. Đoạn thứ hai đó là khi pháo hoa được bắn ra, điệp khúc của “A Moment Like This” vang lên (mình đã chuẩn bị đoạn điệp khúc từ trước):
A moment like this
Some people wait a lifetime,
For a moment like this
Some people search forever,
For that one special kiss
Oh, I can’t believe it’s happening to me
Some people wait a lifetime,
For a moment like this
12. Quà tặng cảm ơn:
Trước đám cưới, mình nghĩ đến việc làm thế nào để cảm ơn những người thân và những người bạn giúp đỡ mình trong đám cưới này. Mình nghĩ đến ý tưởng tặng họ những chiếc gương nhỏ xinh ghi tên họ, một món quà nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa, coi như là bridesmaid’s gift, quà cho các phù dâu. Dĩ nhiên còn rất nhiều người mình phải cảm ơn, và một vài chiếc gương nhỏ này cũng không thể nói là đã cảm ơn hết được.
13. Người chụp ảnh:
Cuối cùng, những người thầm lặng nhưng gần như đóng góp quan trọng nhất cho một đám cưới, đó là những photographer, những người đứng sau hiện thực hóa mọi kỉ niệm thành các tấm hình để chúng ta share lên facebook và nhận được nhiều likes 😀 Ba người chụp ảnh cho bọn mình đám cưới và đám hỏi, những người mà bọn mình sẽ luôn recommend, đó là Sơn Marki, El Mariachi, và Namlong Nguyen. Cảm ơn các anh rất nhiều! 😀