Đại lễ nghìn năm

Có phải cả nước không thì mình không biết chắc, nhưng dù đang ở xa mình vẫn có thể nói là cả Hà Nội đang dâng lên một không khí khác hơn mọi ngày, vì sự kiện ai cũng biết là sự kiện gì đấy, kỉ niệm thủ đô 1000 tuổi.

Kể ra nói là tròn 1000 tuổi thì sẽ không đúng, ngày 10/10 được chọn là vì ngày này năm 1954 Hà Nội được tiếp quản bởi chính phủ cách mạng từ tay Pháp, không liên quan gì đến sự kiện Thăng Long được Lý Công Uẩn chọn làm kinh đô vào năm 1010. Không có tài liệu lịch sử nào ghi lại chính xác ngày nào Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, chỉ biết đó là vào mùa thu, vậy âu lấy ngày 10/10 cũng tạm coi là chấp nhận được, chưa kể cả ngày và năm đều cấu thành bởi những con số 10 rất đẹp (Chuyện Hà Nội được giải phóng vào đúng ngày 10/10 có các chữ số trùng với năm Lý Công Uẩn chọn Thăng Long có phải chỉ là trùng hợp hay là do nguyên nhân bí ẩn nào không thì chẳng ai biết được, dẫu sao thì đất Hà Nội vốn từ xưa đã được coi là thiêng liêng và luôn đầy những bí ẩn rồi). Như vậy, ngày 10/10/2010 được thống nhất chọn là ngày kỉ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi.

Dĩ nhiên là trước khi Lý Công Uẩn đến vùng đất này, đặt tên cho nó là Thăng Long và chọn nó làm kinh đô, đất Hà Nội không phải là không có người ở. Chứng cứ khảo cổ cho thấy nơi này đã có dấu vết của người sinh sống từ hàng chục nghìn năm trước, đến thời kì biển lấn, phần lớn vùng đất này bị chìm trong nước, người cổ lui về những khu vực cao hơn, nhưng khi biển lùi, vùng đất Hà Nội xưa lại tiếp tục có con người sinh sống. Và Lý Công Uẩn cũng không phải người đầu tiên chọn Hà Nội làm kinh đô, công này thuộc về An Dương Vương, nhưng chỉ đến sau năm 1010, vùng đất này mới thật sự phát triển và được chú ý trong sử sách.

Lại quay lại chuyện 1000 năm sau, con cháu đang đẩy mạnh tổ chức những hoạt động để mừng sinh nhật Hà Nội (mặc dù về địa lý đã khác rất nhiều so với kinh đô Thăng Long xưa mà Lý Công Uẩn chọn). Một việc lớn theo đúng nghĩa nghìn năm có một chắc chắn không dễ làm, và bất kể quyết định gì được đưa ra thì nó cũng phải chịu số phận của “dâu trăm họ”, lòng tự hào của người Việt thì cao lắm, của người Hà Nội (khái niệm rất mơ hồ) thì có lẽ còn lớn hơn, tuy ai cũng muốn dịp kỉ niệm này phải được tổ chức xứng đáng, nhưng khái niệm “xứng đáng” mỗi người một khác, nên dĩ nhiên rất khó để có được kết quả trăm phần trăm đều ủng hộ. Phải nói là rất nhiều công trình hạng mục đã được thực hiện để chào đón sự kiện này (độ thiết thực nhiều ít đều có, nhưng chủ yếu là khá thiết thực): Công trình lớn thì có cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long,…, công trình dân dụng thì có Trường chuyên Hà Nội, bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, rồi những công trình mang tính kỉ niệm như tượng đài Bác Hồ – Bác Tôn, tượng Thánh Gióng, và gần gũi hơn nữa thì có dự án hạ ngầm dây cáp lộ thiên trong nội thành xuống lòng đất, lát lại vỉa hè, vân vân. Về chi tiết lễ hội trong 10 ngày đại lễ có thể tham khảo ở đây.

Mặc dù cầu Thanh Trì sập một nhịp (cả cái cầu có bao nhiêu nhịp cơ mà), tượng Thánh Gióng được cho là đúc sai lịch sử, hạ ngầm, lát vỉa hè gây cản trở giao thông và bất tiện cho cuộc sống người dân, nhưng dù nói gì thì nói, cũng vẫn phải công nhận cho thành phố một điều là thành phố có cố gắng để có được một dịp kỉ niệm ra tấm ra món.

Thế nhưng, kể cả ngoại trừ những bất cập ở trên ra, có vẻ người dân Hà Nội vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Ít nhất mình không thấy thế, và mình bắt đầu tự hỏi bản thân liệu mình còn muốn công trình nào được xây nữa, muốn trang trí tháp Rùa ra sao, muốn những buổi biểu diễn hoành tránh đến thế nào nữa. Nhưng tất cả những cái đó lại có vẻ vẫn không phải là cái mình đang thấy thiếu. Mình bắt đầu nghĩ phải thế nào thì mới tạo ra một cảm giác vui thích trọn vẹn, và mình nhận ra, đó phải là khi mình, một người bình thường, được cùng góp sức tham gia vào đại lễ của thành phố nơi mình sinh ra. Và đó chính là thứ mình đang thấy thiếu.

Dịp lễ nghìn năm sẽ mãi chỉ dừng lại ở những sân khấu cao cao quanh bờ Hồ, những ánh đèn choáng ngợp từ Tháp Rùa, những bài diễn văn, những công trình được ghi nhận là di sản, to đấy, đẹp đấy, nhưng chỉ để ngắm thôi chứ không cảm giác là lễ hội của mình, thành phố của mình, nếu đông đảo người dân không được tham gia vào. Nhớ lại sự kiện SEAGames 22 chẳng hạn, cả nước náo nức lần đầu tiên được tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, Hà Nội với vai trò là địa điểm tổ chức chính cũng nô nức chuẩn bị. Một lễ khai mạc cần rất nhiều người, nên phải huy động cả học sinh, sinh viên từ các trường. Tập luyện vất vả nhưng bù lại người ta có cảm giác mình mang một vinh dự khi được đóng góp vào một sự kiện có tầm cỡ. Rồi từ những người đó tạo ra những sự cộng hưởng trong xã hội, học sinh tập khai mạc về khoe với bố mẹ, bố mẹ đi làm khoe với đồng nghiệp, cứ thế, ai cũng có cảm giác mình không trực tiếp thì cũng gián tiếp liên quan đến sự kiện đó. Tương tự với APEC 2006, đội ngũ tình nguyện viên đã đóng góp rất lớn cho hội nghị, và đối với họ, được cống hiến sức mình không công như thế đã là một vinh dự lớn lao không phải ai cũng có được rồi.

Có vẻ nhiều người cũng nhận thấy như mình, bằng chứng là có rất nhiều dự án tự phát lớn nhỏ của những người dân bình thường để kỉ niệm sinh nhật nghìn tuổi của thành phố bằng cách của riêng họ. Trên facebook từ mấy tháng trước đã rục rịch kế hoạch thực hiện một flash mob mừng đại lễ (giải thích: flash mob hiểu đơn giản là một hoạt động nhảy múa không báo trước gồm nhiều người tham gia nhằm gây bất ngờ giữa đám đông), rồi thanh niên rủ nhau in áo thể hiện tình yêu Hà Nội và có cả hội dự định cùng mặc áo này ra đường vào đúng ngày 10/10. Một dự án ảnh cũng rất độc đáo mang tên Hà Nội qua những mảnh ghép thời gian dự thi Hà Nội Của Tôi do trang zing.vn tổ chức cũng đang được truyền tay nhau qua facebook

Vẫn về ảnh, một website sưu tầm ảnh Hà Nội theo các chủ đề do người dùng đóng góp là hanoistory.com, rất quy củ và rất có ý nghĩa.
Hoa sớm – Ô cửa cũ

Hay một dự án nữa cũng hoàn toàn tự phát là 155 giây quanh Hà Nội, làm theo kiểu stop motion, rất kì công

Cái này thì không tự phát, nhưng cũng rất hay và xúc động (đối với những người ở xa như mình), video clip bài hát “Hà Nội” của Đinh Mạnh Ninh

Và đây là cái mình thích nhất, bài hát Hanoi Boogie do những người nước ngoài yêu Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sáng tác và thu âm mừng sinh nhật thành phố 1000 tuổi


Những ý tưởng trên phải nói là rất hay, và với sự trợ giúp của công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng hiệu quả của nó đã tăng lên rất nhiều, nhưng chúng vẫn chỉ là những ý tưởng tự phát. Vấn đề là không có một tổ chức chính thức nào của chính phủ đứng ra tập hợp sự sáng tạo trong dân, thiết nghĩ, nếu được tổ chức quy củ, những dự án quy mô hơn, sáng tạo hơn, hay hơn, đã có thể xảy ra. Về phía chính phủ thì sao, ngày 11/8 Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội chính thức khai trương trang web thanglonghanoi.gov.vn. Chỉ việc khai trương một trang web thôi đã trở thành sự kiện lớn, trong khi trong dân bao nhiêu dự án tương tự đã được làm. Thôi thì cũng tạm cho là sự kiện lớn đi, vì chính phủ Việt Nam vẫn còn vô cùng chậm trong việc tận dụng công nghệ thông tin (nhưng trong các cuộc họp luôn nhấn mạnh “đi trước đón đầu”), nhưng phải xem trang web đó mới thấy, đúng là trang của chính phủ, thiết kế xấu như để cho có chứ không tạo cảm hứng đọc. Còn trang http://www.1000namthanglonghanoi.vn/ thì đã không còn truy cập được ngay trước đại lễ. Có một trang web đưa thông tin rất đầy đủ về các sự kiện văn hóa, nghệ thuật diễn ra tại Hà Nội, những thứ mà (oái oăm thay) ít được thông tin một cách rộng rãi, nhưng đáng tiếc là trang web đó không phải của chính phủ, thậm chí lại còn là của một người nước ngoài. Ngay cái tên Hanoi Grapevine cũng đã ám chỉ việc thiếu thông tin một cách có hệ thống và đầy đủ vốn vẫn xảy ra ở Việt Nam, và ở trong một thời đại mà thông tin ngày càng trở nên quan trọng thì sự thiếu này là nguyên nhân cơ bản của rất nhiều vấn đề cốt lõi của xã hội, kể cả tham nhũng. Nhưng cái đó lại là chủ đề của một dịp khác.

Tóm lại là hai điều “giá mà” đối với đại lễ lần này. Sự kiện nghìn năm có một, giá mà Ban tổ chức đại lễ biết cách tận dụng sự tham gia của nhân dân, không những tạo sự hứng khởi trong dân mà còn tăng tính đoàn kết trong xã hội. Hãy xem dự án đường gốm ven sông Hồng, có phải chính vì nó là một dự án không có sự tham gia của chính phủ nên không bị búi xùi, bới lên đào xuống mãi không quyết được (như rất nhiều dự án khác), và có phải nó là sản phẩm của cộng đồng (nghệ sĩ, nghệ nhận, học sinh, sinh viên) nên nó đẹp và nhận được sự ủng hộ đến thế? Ban đầu báo chí hết lời chê bai nhưng đến khi đường gốm chuẩn bị được công nhận kỉ lục thế giới báo chí lại cũng xúm vào ca ngợi nó. Cái giá mà thứ hai là ước gì thông tin và sức mạnh của công nghệ thông tin được chú trọng hơn, cơ hội quảng bá một thành phố giàu lịch sử như Hà Nội sẽ còn được nhân rộng hơn rất nhiều.

À nói đến đây mình nhớ ra là còn những dự án phim cũng rất xôn xao dư luận, nhưng thôi mình vừa chưa xem phim vừa không có kiến thức lịch sử nên không dám bình luận gì (đã có rất nhiều bình luận của những người cũng ko có kiến thức như mình rồi). Và cuối cùng, mình cũng muốn góp một món quà nhỏ bé tặng sinh nhật Hà Nội nữa. Hãy… chờ mình ở blog sau nha cheers

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *