Đạo đức báo chí 2

Nói thì đúng là thả muối vào bể, vì nó quá đầy rẫy gần như là chuyện bình thường, và có người sẽ bảo rằng đó chỉ là những trang báo mạng lá cải. Nhưng cũng phải có ai đó nói chứ. Không nói nó sẽ thành chuyện tất lẽ dĩ ngẫu, rồi đến lúc cái sai sẽ trở thành chuẩn mực, và chẳng còn thể nào phân biệt được trắng đen nữa. Thế nên từ bây giờ blog này sẽ nêu lên những bài báo người viết tình cờ đọc được và nhận thấy sai về mặt đạo đức báo chí. Tôi chẳng cố gắng đại diện cho một cái gì cả, tôi chỉ đưa ra tiếng nói của mình, để ít nhất khi ai đó Google và đọc được blog này, ít nhất họ cũng có thêm một góc nhìn.

Bài báo dưới đây lấy từ http://megafun.vn/channel/1922/201004/Chuyen-nghe-duoc-truoc-cong-truong-THPT-Kim-Lien-Qua-soc-71316/

Chuyện nghe ở cổng trường THPT Việt Đức: Quá sốc!
Cập nhật lúc 18:07, Chủ Nhật, 18/04/2010 (GMT+7)

Chuyện tôi kể dưới đây, được ghi nhận từ quán ăn số nhà 42K – đường Lý Thường Kiệt – Hà Nội.

Tôi đã “sốc”

“Thằng ấy vừa “cưa” con Vân mày ạ. Tao biết được chuyện này vì tao mượn điện thoại của nó. Tao mở phần hình ảnh, thấy ảnh con Vân được để lên đầu tiên. Tao thấy con Vân mặc đúng bộ váy mà tao thích”.

“Thì thằng đó còn cưa cả em con Vân nữa. Thời buổi này thằng nào cũng vậy”. Đ. mẹ đứa nào cũng thế hết. Muốn cưa con chị, phải tán con em. Cưa con bạn này phải nịnh con bạn khác, thậm chí, nó còn “xơi” luôn cả con bạn thân nữa…” – Nói rồi cả 5 cô gái trẻ bên quán nước cùng cười. Họ vừa nói, vừa ăn nem chua, vừa hí húi bấm điện thoại.
Mô tả ảnh.

Những nữ sinh lớp 11 trường THPT Việt Đức (Hà Nội) tại quán nước số 42K đường Lý Thường Kiệt ngang nhiên nói tục, chửi thầy cô giáo (ảnh chụp bằng điện thoại chiều 7/4/2010)

Bỗng bên bàn ăn xuất hiện một cô gái nữa. Tôi chưa kịp giơ máy điện thoại lên để chụp hình, câu chuyện từ chỗ yêu đương bẻ quặt sang hướng khác. Cô gái mới vào hùng hồn kể chuyện về cô giáo mình: “Chúng mày ơi, lớp tao hôm nay có sự kiện lạ. Hôm nay “con đần” nào ý (chắc cô giáo của họ) vào dạy thay con Hương “En – Zồ” (hẳn là một biệt danh của cô giáo nào đó mà teen này đặt cho cô). “Nó” dạy “chán vãi” đi được. Tao và con bạn thân trong lớp Đ. nghe giảng cứ ngả đầu vào nhau nói chuyện…”.

Nhưng chuyện về thầy cô giáo không được lũ bạn hưởng ứng. Có vẻ đề tài này không hấp dẫn lắm nên chuyện lại ngả sang chủ đề khác: “Con Linh mới lên làm lớp trưởng hay sao ý chúng mày ạ?” – “Con đó á? Có mà làm…phò”!. Tôi rùng mình. Họ vẫn nói tiếp tục chửi cô bạn gái tên Linh: Con đấy làm lớp trưởng? Có mà làm lớp trưởng lớp phò thì có! Nhưng hình như chỉ là tổ phó thôi. Tổ phó tổ phò… Nói rồi tất cả lại ré lên cười.

Đánh bài và nói tục thả phanh

Bên quán nước trà ở cách chỗ 5 cô gái trường Việt Đức ngồi không xa, một chiếc bàn được số đông teen xúm vào. 2 nữ học trò và 3 bạn nam đang chơi tá lả. Họ vừa đánh bài, vừa liên tục gọi những cốc sinh tố bơ, cam, chanh đủ loại. Tôi nhận ra cả 2 cô gái chơi bài đều có điểm giống nhau: miệng ngậm kẹo mút và nói tục rất thản nhiên.

Tôi bỗng giật thót mình khi cô gái có gương mặt khá xinh xắn, nước da trắng hồng, đôi mắt to lấp lánh sau chiếc kính cận gọng đen, vuông trông rất trí thức đang đánh bài bỗng nhiên kêu ré lên. “Con át hả? Làm cái L. gì vậy. Đ. mẹ thôi chết rồi”…

Vẫn là những nụ cười vẻ vô tư, thản nhiên như không hề có gì xảy ra. Tôi quay sang bàn bên cạnh, hai cô gái khác cũng là học sinh trường Việt Đức đang uống từng ngụm nước trà đào và câu chuyện của họ sau khi nói về bạn bè, tình yêu thì đến lượt chuyện ở lớp, ở trường. Một trong 2 người nói: “Hôm nay con mụ đó dạy Đ. hiểu gì cả”. “Mà sao chờ mãi không thấy bạn mày ra nhỉ? Con này Đ. bao giờ đúng hẹn cả. Cứ phải 5 cuộc điện thoại mới tới nơi…”.

Bàn bên trái tôi, 2 cô gái khác chừng 18, 19 tuổi gì đó, không biết có là nữ sinh không (vì họ không mặc áo đồng phục), đang xì xụp húp mì gói, miệng kể về người yêu của mình: Hôm qua tao cho thằng ấy một trận. Tao Đ. hiểu thằng đó như thế nào nữa. Nó ngu như lợn ấy…

…Lẳng lặng rời quán nước ra về, cảm giác như lòng mình chùng xuống. Thưa quý báo, tôi cũng đang có 2 đứa con ở độ tuổi đến trường, nghĩ lại những câu chuyện vừa rồi, bỗng thấy lo âu. Xin gửi quý báo cả đoạn ghi âm, những tấm hình mà tôi đã chụp được từ quán nước trà nằm trên đường Lý Thường Kiệt chiều 7/4/ 2010.

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô
_____________________________________________

Đừng nói là chỉ có báo mạng, bài báo này thậm chí được lấy nguồn từ một tờ báo in hẳn hoi. Tôi chưa đọc Tuổi Trẻ Thủ Đô bao giờ, cũng chẳng biết uy tín của nó ra sao, nhưng với suy nghĩ thông thường trong xã hội thì báo in vẫn có phần được coi là đáng tin hơn báo online. Vậy mà xem nhé: tác giả lấy thông tin bằng một cách cực kì không minh bạch: ngồi nghe lén người khác nói chuyện. Ở phạm vi hành vi xã hội mà nói, hành động này đã được cho là xấu rồi, không những thế, tác giả (có lẽ sử dụng cả máy ghi âm) còn trích nguyên văn những câu nói mà mình nghe được và đưa lên mặt báo. Chẳng cần phải hỏi, bạn và tôi cũng biết là tác giả không hề xin phép những người trong cuộc quyền được ghi âm hay đăng lên báo.

“Bỗng bên bàn ăn xuất hiện một cô gái nữa. Tôi chưa kịp giơ máy điện thoại lên để chụp hình…”. Không chỉ có thế, nghiêm trọng hơn, tác giả còn chụp ảnh, và thức tế đã đăng ảnh lên báo, mà không hề có sự cho phép. Nên nhớ những người bị chụp ảnh có thể là những người dưới 18 tuổi.

Về cách viết bài, cũng giống những bài cùng thể loại khác, bài báo nhiều lần nhấn mạnh và miêu tả những chi tiết không hề liên quan đến nội dung: “Tôi bỗng giật thót mình khi cô gái có gương mặt khá xinh xắn, nước da trắng hồng, đôi mắt to lấp lánh sau chiếc kính cận gọng đen, vuông trông rất trí thức“, “họ vừa đánh bài, vừa liên tục gọi những cốc sinh tố bơ, cam, chanh đủ loại..” Việc này, lặp lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, gây tác dụng đối với người đọc là tạo thành ấn tượng cứ những ai mà là học sinh, xinh xắn, sành điệu, là đồng nghĩa với hư hỏng, học kém, chơi bời. Điều tối thiểu trong lúc viết báo là cái gì cần thì nói, không thì thôi, đã nói thì nói cho đúng sự thật, và công bằng. Cách tác giả làm trong bài báo này quá trẻ con, thật đáng thương hại khi một người phải viết như thế để tạo scandal và tìm được sự ủng hộ từ độc giả.

Ngoài ra còn những điều khác, như xét về nội dung, một cách tổng thể, nội dung của bài báo quá tầm thường, lợi dụng khoảng cách về thế hệ để tạo ra scandal hòng thu hút sự ủng hộ của những phụ huynh các học sinh tầm tuổi trên. Bài báo nhìn học sinh lứa tuổi vị thành niên dưới một góc nhìn không thể phiến diện hơn, và lên tiếng đánh giá như thể một người lớn tuổi có đầy đủ đạo đức đang đau buồn trước viễn cảnh xã hội bị xói mòn bởi lối sống của thế hệ trẻ. Ừ, có thể mục đích đó đã thành công, nhưng không phải tất cả người đọc đều ngu dốt như tác giả nghĩ.

Trách nhiệm nhiều khi cũng không hoàn toàn phải đổ lỗi cho người viết bài, cuối cùng vẫn là ban biên tập Tuổi Trẻ Thủ Đô có quyết định đăng hay không. Và với ban biên tập trang megafun: Làm ơn hãy sửa lại URL cho đúng, hãy ít nhất có một ít trách nhiệm với công việc của mình, và đừng câu khách bằng những cách rẻ tiền.

Những bài báo thế này đúng là hàng ngàn, và để tìm một bài không giống thế này trên các tờ báo online ở Việt Nam mới là khó. Một lần nữa, dù thế vẫn phải có ai đó đứng lên nói. Báo chí Việt Nam có lịch sử từ hơn 100 năm nay rồi, 100 năm cung cấp thông tin cho xã hội, nhưng chưa hề có một cơ quan nào đứng ra quy định những chuẩn mực hành nghề của nhà báo, luật báo chí thì quá hời hợt, chưa kể không có luật bảo vệ nhà báo. Phải có ai đứng lên bắt đầu cái gì đó chứ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *