Hai mươi

Ngày vừa hai mươi em ùa vào đời,
Đời vừa hai mươi xanh lạ…

Trong đầu mình vẫn còn cái hình ảnh Hiền Thục hát bài này trên TV, lúc ấy kĩ thuật dựng clip chưa có gì, chỉ có ca sĩ đứng trước ống kính hát, tóc bay phần phật, chấm hết. Cái đứa học sinh cấp một là mình lúc ấy thấy Hiền Thục xinh thật là xinh, và cũng đã ước mong đến một ngày mình được tròn hai mươi tuổi để hát bài hát này và xem nó đúng đến đâu. Hai mươi tuổi trong mắt đứa trẻ con cấp một thật là lớn, là đỉnh cao của sự trưởng thành, là đủ phẩm chất xếp vào một nhóm cùng với tất cả những người lớn làm những việc vĩ đại khác.

Nhoằng cái, đứa trẻ con ấy biến thành đứa trẻ to 20 tuổi. Nói gì đây, ngoài “wow, đã từng ấy năm trôi qua rồi đấy”. “Wow” vì nhận ra cũng phải hơn 10 năm qua rồi, thế nhưng cái hình ảnh một người lớn 20 tuổi của hồi bé lại chẳng khớp với hình ảnh hiện tại. Càng lớn càng thấy thế giới rộng ra, 20 tuổi thì cũng chỉ là hạt cát của thế giới, 20 tuổi mà vẫn chưa làm được gì cho bố mẹ, chưa kể vẫn còn làm khổ bố mẹ. 20 tuổi, chưa có trong tay một cái gì.

Lại nhớ hồi bé, đã từng rất mong chờ đến sinh nhật 10 tuổi của mình và của các bạn, chỉ để được vỗ ngực tự xưng hoặc được viết trong thiếp tặng chúng nó: “đã sống được một thập kỉ rồi đấy”. Cũng như là hồi cứ chờ đến ngày 14/2 của năm 2001, chỉ để viết cho con bạn thân là “Chúc mừng mày nhân ngày lễ Tình Yêu đầu tiên của thiên niên kỉ thứ ba”. Hồi đấy chỉ thế thôi, Valentine đi tặng thiếp cho bạn gái thân. Xong rồi nó cũng bắt chước mình, viết lại cho mình y hệt, chỉ khác là viết nhầm thành “thế kỉ”. Sai rồi, nhưng mình không nói gì.

Nhoằng cái, lại một thập kỉ nữa đã trôi qua rồi.

Mười năm sau thì bất chợt gặp lại đứa bạn từ hồi cấp 1. Không phải đứa “thế kỉ” mà là bạn khác, thân thì chẳng phải thân, nhưng không thể nói là không thân. Cấp 1 thì có trò thích nhau, nhưng hay lắm nhé, từ hồi ấy mình đã bảo với bản thân là “Mày còn bé lắm, mày chưa hiểu chuyện tình yêu đâu, sau này lớn lên nhìn lại sẽ thấy chuyện này thật là trẻ con thôi”. Riêng đoạn này thì mình phải ngả mũ công nhận tinh hoa phát tiết từ quá sớm (Có lẽ vì thế nên giờ cạn kiệt chăng?).

Gặp lại bạn, ôn lại chuyện cũ, thỉnh thoảng lại hoảng hốt buông một câu “Đã 10 năm rồi sao cậu?”. Và mình nhận ra cách để mỗi người nhìn lại bản thân mình rõ ràng nhất chính là nói chuyện với bạn lâu năm không gặp. Bỗng nhiên có cơ hội tua ngược lại và tự đặt câu hỏi “Mình đã làm được gì trong 10 năm qua?”. 10 năm mỗi người đi một hướng, chỉ đến lúc gặp nhau so lại mới biết mình hơn gì, kém gì, so với những người cùng xuất phát điểm. Chỉ cần nói chuyện với bạn cũ mà vẫn có thể ngẩng cao đầu, thì có thể tự tin mà nhận rằng mình đã không sống hoài sống phí. Chưa hết, nói chuyện với bạn cũ, cũng là cơ hội để mình được nhìn lại hồi xưa cái đứa trẻ 10 tuổi ấy nó như thế nào, và mình có sống xứng đáng với cái đứa trẻ trong con người mình không. Mình có đi ngược lại những giá trị tuy rất đơn sơ nhưng là mang tính nền tảng mà mình đã hình thành từ hồi bé không? Nhìn lại, mình tự nhận là tinh hoa của cái đứa 10 tuổi ấy 10 năm sau vẫn chưa hề bị mai một, lý tưởng, ước mơ cũng vẫn nằm trên những trục như cũ. Mình không phải xấu hổ với bạn, và mình cũng không phải xấu hổ với cái đứa trẻ là mình trước đây. Nhưng đồng thời mình cũng không còn là đứa trẻ đó, mình đã lớn lên, đã nhìn thế giới dưới con mắt khác, đã tận dụng 10 năm trôi qua để học hỏi những thứ có ích cho bản thân.

Hai mươi năm, mình chưa làm được gì to tát, nhưng biết là mình đã sống một cách trọn vẹn, tận dụng hết mọi cơ hội, cố gắng đến mức hết sức có thể, trải nghiệm tất cả những thứ có thể trải nghiệm.

Mình định review quyển “50 việc cần làm ở tuổi 20” vào sinh nhật và đối chiếu những gì mình đã làm được với danh sách của Akihiro Ankatani, nhưng nghĩ lại, quan trọng là sống hết mình, còn cơ hội đến với mỗi người khác nhau, việc đối chiếu những hành động cụ thể xem ra không mang nhiều ý nghĩa lắm. Mình chỉ thích nhất là trong list có một việc mà Akihiro Ankatani đưa ra là “Thử làm người bảo vệ sân khấu ca nhạc”, có lẽ là khá oái oăm với nhiều người, nhưng mình có quyền tick một phát vào cái việc đó. Mình đã bảo vệ sân khấu ca nhạc. Một kỉ niệm không bao giờ quên.

Một việc khác Akihiro Ankatani đưa vào list là “Hãy ‘đi ngoài’ ở khắp nơi trên thế giới”. Hai mươi tuổi, mình đã may mắn có cơ hội được đặt chân đến 6 nước, trong vài tuần nữa sẽ là 7. Sau này, giả dụ có transit ở đâu dù chỉ vài tiếng, mình cũng sẽ cố gắng đi ngoài!

Còn nếu lập 1 list riêng những việc thú vị nên làm ở tuổi 20, mình sẽ cho vào những việc như:

  • Ngủ qua đêm trên một cái caravan

  • Tham gia vào một bộ phim

  • Bán vé số từ thiện

  • Có ảnh mình trưng bày trong một cuộc triển lãm

  • Góp mặt trong quyển prospectus giới thiệu về trường

  • Tham gia tổ chức một gian hàng trong ngày hội của trường

  • Một mình thuê phòng nghỉ qua đêm nơi xứ lạ

  • Ngồi trên xe khách 24 giờ liên tục

  • Thử thách bản thân bằng một công việc chân tay


Mình cho vào dĩ nhiên là vì đó là những việc mình đã trải qua rồi devil

Mình định viết đến đây là tổng kết, tổng kết thì thường kiểu là nói rằng mình đã sống hết mình, sống không hề hối hận điều gì, rồi là cảm ơn ông bà cha mẹ thầy cô bạn bè đã yêu thương mình. Nhưng nghĩ lại, 20 mới chỉ là bắt đầu. Và mình đang tưởng tượng không biết sinh nhật năm sau mình sẽ ở trong hoàn cảnh nào. Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ tuổi 20 mới là cuộc phiêu lưu lớn…

Cái gọi là môn học bắt buộc ở tuổi hai mươi có nghĩa là những việc mà chỉ ở tuổi hai mươi mới có thể làm được. Chỉ những ai ở tuổi ấy cứ bôn ba qua lại một cách uổng công vô ích, đến khi cuộc đời trở nên xán lạn, mới thấm thía rằng tuổi hai mươi là thời gian vô tình nhất, cũng là giai đoạn huy hoàng nhất trong đời mỗi người (Akihiro Ankatani)

Ngu ngốc, ấy là đặc quyền của tuổi hai mươi (Akihiro Ankatani)

Leave a Reply to Lan Dao Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *