Luang Prabang (2) – Nếp thơm cơm trắng ẩm thực Lào

Một trong những đặc điểm nổi tiếng nhất của Luang Prabang mà nhiều người chưa đến cũng biết, và thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch, đó là cảnh hàng trăm nhà sư đi khất thực (asking for alms) trên phố vào mỗi buổi sáng sớm. Đây gần như là điều duy nhất mình biết về Luang Prabang trước khi đến đây. Việc sư đi khất thực thì nước nào tồn tại đạo Phật cũng đều có, nhưng đều đặn hàng ngày, với sự tham gia của hàng trăm nhà sư và Phật tử thì Luang Prabang là một trong những nơi hiếm hoi, thậm chí ngay cả ở Vientiane cũng không có như thế.

Vì vậy ngay từ lúc bắt đầu đến khách sạn, bọn mình đã được hướng dẫn để chứng kiến cảnh tượng này. Họ bảo ở Luang Prabang có 2 con đường chính mà các nhà sư đi qua, một đường ở gần trung tâm, nơi có khoảng 200 nhà sư nhưng cũng rất nhiều khách du lịch, và một đường ở gần khách sạn hơn, và người tham gia chủ yếu là dân địa phương. Bọn mình quyết định hôm sau chọn đi xem chỗ ở trung tâm trước, và nhờ khách sạn đặt xe hộ, vì mùa này là mùa mưa khách sạn không đông khách nên nếu đi shuttle bus thì cũng phải đặt trước.

Một điểm quan trọng trong việc tham gia vào lễ khất thực đó là hiểu và tôn trọng những giá trị Phật giáo cốt lõi của hoạt động này: nhà sư đi khất thực là thể hiện thái độ không tham, sân, si của người tu hành, còn những Phật tử cho đồ ăn là với mong muốn tạo phúc cho kiếp sau và cho con cháu. Việc nhà sư đi khất thực thu hút nhiều khách du lịch tuy là một điều may mắn cho du lịch Luang Prabang, nhưng chính điều này cũng làm méo mó đi bản chất và nét đẹp của hoạt động này. Dọc đường các nhà sư đi qua có rất nhiều người chèo kéo du khách mua đồ ăn để cho các nhà sư với giá cắt cổ (một cái bánh nếp giá 1 đô), và chính họ đã thương mại hóa một cách thô thiển một hoạt động có mục đích đi ngược lại đồng tiền và lòng tham. Chính vì thế, du khách khi đến Luang Prabang và tham gia vào lễ khất thực được khuyến cáo nên chuẩn bị đồ chay từ trước, mua ở các chợ gần đó, chứ không mua từ những người bán rong tại nơi các nhà sư đi qua. Người ta nói rằng các nhà sư cũng sẽ không ăn đồ từ các hàng rong này. Chính vì vậy bọn mình trả cho khách sạn 60.000 kip mỗi người để đưa bọn mình ra đó từ 5 rưỡi sáng, đồng thời chuẩn bị hộ đồ chay để không phải mua tại chỗ.

Buối sáng hai đứa dậy từ 5 giờ kém, lờ đờ vì buồn ngủ, được anh lái xe đưa ra đến nơi đã thấy rất nhiều du khách ngồi dọc con đường để chờ các nhà sư đi qua. Trên vỉa hè có sẵn hai tấm nệm, hai chõ xôi và hai rổ bánh gạo to được đặt sẵn tại chỗ bọn mình ngồi. Hai đứa cũng được phát khăn rằn để đeo. Quả thật rất ấn tượng với sự chỉn chu của khách sạn.

IMG_0040

IMG_0035
Mặt hai đứa vẫn còn lờ đờ ngái ngủ

Chờ một tẹo thì đoàn sư đầu tiên đến. Mỗi đoàn như vậy có khoảng 20 – 30 nhà sư, mỗi người đeo một cái chõ bằng nhôm bên hông, đi qua thì mở nắp để người dân bỏ thức ăn vào. Bọn mình ban đầu xúc cho mỗi nhà sư một tẹo xôi, và bỏ một chiếc bánh gạo, sau thấy số lượng nhà sư rất nhiều, và họ đi cũng rất nhanh, nên chuyên môn hóa để một đứa chuyên xúc xôi, một đứa chuyên bỏ bánh. Vậy mà nhiều lúc cũng không kịp và cũng không còn đủ đồ ăn để ở lại cho những đoàn sư cuối cùng.

IMG_20140610_054633

Ban đầu mình không biết, thấy mọi người đứng lên khi các nhà sư đi qua thì mình cũng đứng lên. Sau mới được nhắc là chỉ có nam mới được đứng, nữ thì phải quỳ để thấp hơn các nhà sư, tỏ sự tôn trọng. Các bà Hàn Quốc bên cạnh thì cứ đứng hết cả lên vì có lẽ tour guide của họ không để ý nhắc nhở.

IMG_20140610_054523

Hôm qua đã thống nhất là bọn mình phải tự đi về, vì lúc 6h sáng anh lái xe phải đi đón khách từ sân bay, thế mà thế nào anh ý vẫn đợi bọn mình để đưa về, anh ý chắc cũng vội nhưng không hề giục mà chỉ đứng từ xa chờ bọn mình xong. Anh này cũng chính là anh đón bọn mình từ sân bay hôm qua, gần như không nói được tiếng Anh nhưng lúc nào cũng cười và cười rất hiền luôn.

Đi xem khất thực về xong là đến 7h, mặc dù buồn ngủ dã man nhưng bọn mình phải thử bữa sáng buffet miễn phí của khách sạn đã.

IMG_0100

Đang ăn sáng thì có quản lý của khách sạn (người Pháp) ra hỏi thăm từng người. Anh này tên là Jean Paul, phong cách đúng kiểu lịch thiệp của người Pháp. Những người review về khách sạn trên Trip Advisor cũng rất khen anh này. Và quả thật là sau đó hôm nào cũng gặp và anh ý cũng tận tình hỏi từng nhà xem phòng ốc có vấn đề gì không, hôm nay có kế hoạch gì, và đưa ra các lời khuyên cho mình. Bọn mình hôm đó hỏi về tour đi cưỡi voi và được recommend công ty tên là Elephant Village, cái này sẽ được kể ở phần sau.

Ăn sáng xong hai đứa về phòng lăn ra ngủ tiếp như hai con heo. Ngủ một lèo đến 10h thì cũng là lúc các bạn Tây dậy, các bạn ý đi lại kẽo kẹt trên đầu quả thực rất khó chịu. Bạn đồng hành Sơn bỗng nhiên muốn thể hiện phong cách đại gia, đang ngủ bỗng quờ quạng bốc máy điện thoại gọi lễ tân đòi đổi phòng sang bungalow. Nhân viên khách sạn đến dẫn đi xem phòng, và bọn mình quyết định chọn một cái bungalow xa hẳn so với những cái khác, ngay ở bờ sông, là cái duy nhất bên ngoài là vách nứa rất quê mùa, đường vào có hàng chùm chuối cảnh đỏ rực:

IMG_0139

IMG_0127IMG_0121IMG_0114

IMG_0130

IMG_0136 IMG_0132

Bonus thêm mấy cái ảnh khách sạn:

IMG_0073IMG_0075IMG_0076

Nhìn như ma lun
Nhìn như ma lun

IMG_0072Ở Le Bel Air Boutique có một điểm cộng rất lớn, đó là hàng ngày có 5 chuyến shuttle bus miễn phí từ khách sạn vào trung tâm, và một chuyến đón khách từ trung tâm về khách sạn vào lúc 9h tối. Ngoài ra, khách sạn còn cho mượn xe đạp miễn phí để khách có thêm lựa chọn về đi lại, rất tiện lợi. Đổi phòng xong bọn mình quyết định phải nhấc mông lên đi thăm các địa điểm của Luang Prabang. Điểm đầu tiên là cung điện hoàng gia, giờ trở thành bảo tàng hoàng gia Luang Prabang. Nhưng bọn mình đạp xe đến nơi (thật ra chỉ có Sơn đạp) thì mới biết nó đóng cửa nghỉ trưa từ 11:30 – 13:30, đành lếch thếch đi kím chỗ ăn.

IMG_0154

IMG_20140610_121608

Mình vẫn dùng quyển Lonely Planet Laos từ 5 năm trước, nên nhiều thông tin đều bị outdate hết cả. Kiếm nhà hàng Somchanh như trong sách chỉ thì chả thấy đâu, dừng lại dò Google Maps và Trip Advisor thì gặp một em bé người Hoa, em hỏi chị từ đâu đến, thấy chị bảo Vietnam thì em ố ồ há hốc miệng ngạc nhiên và vừa chạy vào với ba mẹ vừa hét “Yuenan” rất thích thú.

IMG_0159

Tìm đường ở Luang Prabang rất vất vả, nếu không phải nhà hàng đã sập tiệm thì cũng là đã chuyển chỗ, hoặc bản đồ chỉ lệch. Mãi bọn mình mới tìm được một nhà hàng tên là Tamarind được recommend trong Lonely Planet, nhưng quả là không uổng công, vì nhà hàng này rất tuyệt, đồ ăn ngon, và bọn mình học thêm được rất nhiều về ẩm thực và văn hóa Lào do nhà hàng có rất nhiều thông tin ở cuối cuốn menu để khách đọc trong lúc chờ đợi.

Điều ấn tượng nhất có lẽ là việc cơm nếp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ẩm thực Lào. Người Lào có thể cả đời ăn cơm nếp, chỉ có gần đây khi du nhập văn hóa từ các nước xung quanh nhiều nơi mới bắt đầu ăn cơm tẻ. Xôi Lào nấu trong chõ mây giống như chõ xôi bọn mình đựng cho các nhà sư buổi sáng, nấu khô hơn kiểu nấu xôi của người Việt, nhưng vẫn rất dẻo và thơm vô cùng. Một bữa cơm của người nghèo thì chỉ có xôi chấm với các loại sốt từ rau củ khác nhau, gọi chung là jeow. Các món thịt của Lào thì thường là nướng, dĩ nhiên thơm lừng mùi sả. Húng và thìa là là hai gia vị cũng quan trọng không kém trong các món ăn của Lào. Người ta thường đánh đồng ẩm thực Lào với ẩm thực Thái Lan, điều này là do sự tương đồng nhất định giữa văn hóa hai nước, nhưng cũng do sự an phận thiếu chủ động của người Lào trong việc quảng bá văn hóa của mình (họ lấy lí do là một nước bị hạn chế giao thương quốc tế do không có biển nhưng mình nghĩ đây không thể là lí do chính). Bếp nấu truyền thống của Lào rất đơn sơ, sau này do ảnh hưởng văn hóa từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Hoa nên phong cách và công cụ nấu nướng của Lào cũng dần mở rộng. Chẳng hạn, phở và nem rán (chả giò) Việt Nam đã trở thành một phần của ẩm thực Lào, các món có nước như cà ri của Thái Lan cũng du nhập, và cái chảo to sâu lòng (wok) cùng phong cách xào to lửa của người Hoa cũng được người Lào sử dụng.

Người Lào bản chất là ăn bốc, vì thế các món truyền thống của Lào thường khô, không có nhiều nước, chỉ có gần đây du nhập các món bún, phở, mì nên có thêm đũa để ăn các món này. Nếu trong bối cảnh lịch sự buộc phải dùng công cụ, người Lào sẽ dùng thìa và dĩa (không có dao), nhưng dĩa là để đưa thức ăn vào thìa, chứ không đưa thức ăn trực tiếp từ dĩa vào miệng. Mình thấy thìa và dĩa phức tạp quá nên đi ăn mình toàn bốc tay luôn, chả mấy khi có cớ để được ăn bẩn đúng bản chất mà.

IMG_0166
Ping Som Moo (50.000 kip): Thịt lợn bọc sả nướng, ăn kèm với xôi và nước sốt me
IMG_0163
Pad Sapao Gop (45.000 kip): Ếch và rau thơm chiên giòn + xào lăn

Ở Luang Prabang nhìn chung ăn uống rất đắt đỏ, mỗi suất ở nhà hàng đều khoảng 50 ngàn kip (khoảng 150 ngàn VND tại thời điểm viết), đắt hơn Hà Nội nhiều lần, vậy mà không hiểu sao người dân ở đây nhìn vẫn rất lam lũ khổ sở.

Tamarind và nhiều nơi khác làm mình nhận ra tất cả những chỗ được coi là hay ho ở Luang Prabang đều có sự can thiệp của người nước ngoài, chứ không phải của người Lào tự lập ra. Tamarind là sự kết hợp giữa một anh người Lào và vợ người Úc, Le Bel Air Boutique và Jean Paul thì nhìn đã biết là Pháp. Elephant Village và Ock Pop Tok sẽ được kể trong các kì sau cũng đều có sự dính dáng của người nước ngoài. Cũng phải, vì người Lào nói thật là khó mà bỏ công ra đột phá được cái gì thật sự mới, và có lẽ họ cũng chẳng thấy cần thiết phải làm như vậy.

Ăn trưa xong bọn mình quay lại cung điện hoàng gia (Ho Kham/Haw Kham). Vé vào cửa là 30.000 kip. Các phòng của vua và hoàng hậu trong cung điện phải nói là vô cùng giản dị, chỉ như phòng địa chủ nhà mình hồi xưa. Được cái phòng lễ chính và phòng đón tiếp của cung điện thì nguy nga lộng lẫy tráng lệ vô cùng với hàng ngàn hình ảnh được ghép từ những mảnh mosaic kính màu của Nhật Bản phủ kín bốn bức tường, mô phỏng các truyền thuyết và truyện dân gian của Lào. Trong bảo tàng không cho phép chụp ảnh, nên có lẽ tất cả những điều này phải chờ mọi người đến xem tận mắt mới thấy được.

Có thể có người sẽ hỏi vì sao thủ đô của Lào là Vientiane mà cung điện của vua lại ở Luang Prabang. Bởi vì cung điện này ban đầu được thực dân Pháp xây cho vua Sisavang Vong (cũng là tên con phố chính ở Luang Prabang), là quốc vương xứ Luang Prabang. Sau đó trong thời gian trị vì của mình vua Sisavang Vong đã thống nhất các vương quốc xung quanh để tạo nên vương quốc Lào. Cung điện này khá mới, được xây dựng chỉ trong 5 năm từ 1904 đến 1909, và quá trình nó là cung điện của vương quốc Lào cũng chỉ kéo dài từ 1953 đến 1975. Năm 1975, chế độ cộng sản ở Lào lật đổ Thái tử Savang Vatthana là con trai vua Sisavang Vong, và biến cung điện thành bảo tàng như ngày nay.

Bảo tàng cung điện hoàng gia được kể là nơi cất giữ báu vật quý nhất của Luang Prabang, đó là cái Pha Bang (Prabang), là một bức tượng Phật nặng khoảng 50kg tương truyền được làm từ thế kỉ 1 tại Sri Lanka và được tặng cho vua Khmer là Phaya Sirichantha, vua này sau đó lại tặng cho vua Fa Ngum của Luang Prabang vào năm 1359. Đây cũng chính là nguồn gốc cái tên Luang Prabang, nghĩa là Tượng Phật Hoàng Gia. Trong sách Lonely Planet có nói là tượng này hiện nằm trong bảo tàng hoàng gia, nhưng lúc bọn mình đến thì không thấy, có lẽ đã bỏ lỡ một góc nào đó bởi vì hiện tại người ta cũng nói Pha Bang đang được đặt trong một phòng khá dễ bị bỏ qua. Lonely Planet cũng kể rằng tượng này đã bị đánh cắp và lưu lạc tại nhiều nước trên thế giới trước khi quay trở lại với Lào, và rằng bản thật của nó thật ra đang ở Vientiane hoặc Moscow chứ không phải ở Luang Prabang.

Đi thăm bảo tàng cung điện hoàng gia, ngoài việc ngắm các chi tiết xa hoa diễm lệ, thì có việc cũng rất hay đó là tìm các dấu ấn của Việt Nam tại đây. Trong phòng đọc sách của vua Sisavang Vong, một người từng có thời gian học ở Sài Gòn, ngoài các cuốn lịch sử Trung Hoa (được TQ tặng, có lẽ cũng chỉ bày đó chứ vua Lào ko thèm đọc hihi), lịch sử thế giới, còn có cuốn Tiểu sử Hồ Chí Minh (không thấy ghi ai tặng, có lẽ vua Lào tự mua về đọc). Trong cung điện, nếu như mé trái xếp một bức bình phong được tặng bởi Trung Quốc, thì sau khi đi một vòng, sang mé phải, sẽ thấy một bức bình phong khác được đặt ở vị trí y hệt, được tặng bởi Việt Nam. Sự tranh giành ảnh hưởng đối với Lào giữa Việt Nam và Trung Quốc được nhìn thấy một cách rõ rệt và rất thú vị tại bảo tàng này. Năm 1963, Việt Nam tặng vua Lào một bức cờ trướng bày tỏ tình đoàn kết hữu nghị, với lời ký tặng từ “Nhân dân Hà Nội”, thì ngay bên cạnh treo một bức cờ y hệt, được tặng cùng năm đó, bởi chính quyền Trung Quốc.

Phòng trưng bày quà tặng từ các nước trên thế giới tặng vua Lào cũng nói lên rất nhiều điều thú vị, đối với mình có khi còn là điểm lý thú nhất của cả bảo tàng. Quà tặng trong phòng được chia 2 bên, từ phe “tư bản” và từ phe “xã hội chủ nghĩa”. Quà tặng của các nước đều cho thấy cá tính, bản sắc và mục đích chính trị rõ rệt của nước đó đối với Lào. Nếu như của Trung Quốc là các sản phẩm vàng bạc rất phô trương và ngạo nghễ nhưng kém duyên về mặt thẩm mỹ, hoặc sản phẩm ngà voi khoe khoang tài nguyên và sự tinh xảo ngay trước mặt đất nước triệu voi, thì của Nhật là những bình lọ không quá đặc sắc về mặt chất liệu nhưng rất tinh tế về thẩm mỹ, với những họa tiết nhẹ nhàng nhìn qua đã biết là đến từ Nhật. Nếu như quà của Xô Viết nặng nề các huy hiệu và biểu tượng của USSR, thì quà của Mỹ là mô hình tàu Apollo 11, tàu đầu tiên đưa con người lên mặt trăng, kèm theo một mẩu đá mặt trăng và một lá cờ Lào được hô là đem từ mặt trăng trở về. Món quà này xem xong ai cũng phải bật cười, vì Mỹ y như một thằng bé mãi không lớn luôn háo hức với những đồ chơi của mình, và không thể chờ được để chạy đi khoe hết thảy hàng xóm, bất kể có đúng dịp hay không.

Trong khuôn viên cung điện xây một ngôi chùa to tráng lệ, được cho là sau này sẽ dùng làm nơi thờ bức tượng Pha Bang. Chùa được xây từ năm 1993, nhưng kế hoạch xây chùa này đã có từ trước năm 1975, trước cả khi hoàng gia sụp đổ.

IMG_0182

Rời bảo tàng và cung điện hoàng gia, bọn mình vào một quán cafe/nhà hàng trên phố Sisavangvong có tên là Tangor để nghỉ ngơi và chủ yếu là dành thời gian viết blog. Trong 3 tiếng ngồi viết blog phần 1, bọn mình gọi một chai bia đen Beerlao (ngon hơn nhưng nhỏ hơn chai Beerlao original) và một phần snack. Quán này được review khá tốt trên Trip Advisor, và cũng là của người nước ngoài luôn, với một anh phục vụ người Pháp nói rất nhiều.

Snack gồm có ceviche ăn kèm bánh mì, sushi làm từ gạo nếp, và nem rán kiểu Việt Nam
Snack gồm có ceviche ăn kèm bánh mì, sushi làm từ gạo nếp, và nem rán kiểu Việt Nam

Tối về đến khách sạn là hơn 7h, cả ngày chẳng đi được mấy mà chẳng hiểu sao hai đứa mệt rũ. Tắm rửa xong bọn mình quyết định ăn luôn tại khách sạn, định gọi room service nhưng vì đắt quá nên đành bò mấy chục mét ra nhà hàng của khách sạn ăn đồ rẻ hơn và nhiều lựa chọn hơn. Luang Prabang vào mùa thấp điểm du lịch nên khách sạn cũng rất vắng, chỉ có khoảng trên chục khách trong suốt cả thời gian bọn mình ở đây. Vậy mà ngày nào nhân viên cũng phải xếp bàn và trực nhà hàng, cứ xếp đồ ra đẹp đẽ đến 10h đêm lại xếp vào mà chẳng có khách ăn, bọn mình có lẽ là khách duy nhất ăn buối tối ở khách sạn trong suốt cả mấy ngày đó.

Ăn ở khách sạn trông thế mà không hề đắt hơn ở ngoài, đồ ăn cũng rất vừa miệng và đầy đặn hơn mình tưởng. Bọn mình gọi Luang Prabang salad, salad đu đủ và một bát súp thịt bò kiểu Lào ăn khá lạ miệng và ngon. Hai đứa ăn từng đó mà no lặc lè luôn. Nhà bếp ít khách mà vẫn phục vụ rất nhanh nữa chứ. Cộng điểm! Bạn phục vụ thì nhiệt tình, mình chỉ áy náy là đáng ra bạn ý 10h đã được nghỉ rồi thì 9 rưỡi bọn mình ra ăn, làm cho bạn ý phải ở lại muộn.

IMG_0191
Luang Prabang salad
IMG_0192
Salad đu đủ có luôn cả miếng cánh gà chiên giòn đi kèm
IMG_0193
Thịt bò hầm cà và rau thơm kiểu truyền thống, ăn kèm xôi

IMG_0194

Ăn no xong ngày mai sẽ lên đường đi thác Kuang Si, một trong những kì quan mình từng đến trong đời.

Leave a Reply to Dao Hoang Son Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *