New media and the change in our world

Chúng ta, nhất là những người trẻ, đang tham gia rất sâu vào thế giới của new media và cách thức truyền thông này ngược lại cũng đang thay đổi mạnh mẽ thế giới quanh ta, với một tốc độ cực nhanh. Ai cũng biết thế giới đang thay đổi, nhưng chúng ta không hiểu rõ nó đang thay đổi như thế nào. Học về New Media, tớ tự thấy có một thôi thúc phải viết ra một phần những gì mình được học, để không tụt hậu với thời đại, để không ngạc nhiên ngỡ ngàng khi những thay đổi mạnh mẽ biến đổi hình hài của thế giới chúng ta đang sống.

Đầu tiên, new media là gì? Những phương tiện truyền thông như báo viết, radio, thậm chí TV, … được coi là “old media”. Phương thức truyền thông mới bao gồm những thứ như TV kĩ thuật số, truyền hình di động, và quan trọng nhất là INTERNET. Thật ra gần như mỗi khi nói đến new media, người ta thường ám chỉ Internet. Internet không phải MỘT phương tiện truyền thông (medium) tương đương với những thứ kể trên trong old media, nó là một công nghệ, qua đó nhiều medium cùng sử dụng công nghệ này. Nó là báo điện tử, nó là radio online (podcasting), nó là TV online (youtube), là mạng xã hội, là trang web cá nhân (blog), là diễn đàn (forum), là trò chuyện trực tuyến (Instant message – chat), là điện thoại (Skype). Tóm lại, tất cả những phương tiện truyền thông – thông tin, những giao tiếp giữa người với người ngoài đời thực, đều có thể tìm thấy một bản sao trên internet.

Chúng ta hàng ngày đều là những người quá quen thuộc với những ứng dụng của internet, nhưng không có nghĩa là chúng ta ý thức được hết internet đang thay đổi cách ta sống như thế nào, chưa nói đến thế hệ của bố mẹ, chỉ so với 5, 6 năm trước thôi, nhìn lại, cuộc sống cũng đã thay đổi quá nhiều.

Hãy lấy ví dụ về những ứng dụng trên internet thông dụng nhất. Bắt đầu với Google. Google so với những ứng dụng khác như blog, youtube thì chưa hẳn là mới. Nhưng sự ảnh hưởng của Google đến cách con người ngày nay tiếp cận thông tin quả thật là đáng kinh ngạc. Chục năm trước, muốn tìm kiếm một thồng tin nào đó, ta phải nghĩ đến việc tìm một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó để hỏi, nếu may mắn hơn, ta có thể được tiếp cận với thư viện, mặc dù ta biết tri thức trong sách một khi đã xuất bản tức là đã trở nên lỗi thời. Ngày nay, chỉ cần vài từ khóa, ta có thể tiếp cận với thông tin từ khắp nơi trên thế giới, thường với tốc độ chỉ trong vài chục phần trăm giây. Có một thử nghiệm buồn cười thế này, trước Google, ta có những công cụ tìm kiếm như Yahoo, Alta Vista, AOL, ngày nay, nếu muốn tìm một công cụ tìm kiếm khác, bạn làm thế nào? 99% là bạn sẽ … tra Google để tìm ra nó, hehe.

Facebook. Facebook thực ra có mặt cũng lâu rồi, nhưng có thể nói đến h mới là lúc nó thật sự bùng nổ, trên phạm vi toàn cầu. Hai năm trước, khi vẫn còn chưa biết đến mặt mũi của ứng dụng này thế nào, tớ đã được nghe một người bạn người Anh bảo: “I’m sure you will have it, especially by the time you go to Australia, because it’s sooo worldwide”. Bây giờ, đến lúc tớ thật sự thấy choáng khi người người facebook, nhà nhà facebook. Chỉ cần đảo qua màn hình máy tính trong thư viện, có thể thấy phần lớn là những trang facebook, ngay cả trong giờ giảng, nếu có người mang laptop lên lớp, chắc chắn cũng ko bỏ qua cơ hội check trang facebook của mình trong giờ học. Cũng giống như google, facebook trở thành một động từ. “What are you doing?” “I’m facebooking!”. Có lẽ hơi thừa nhưng vẫn muốn nói thêm một tí về cảm nhận của tớ đối với trang này. Thật ra đối với tớ facebook không thể là một trang social networking thú vị nhất trên internet, những ứng dụng khá đơn giản và nhàm chán, chưa kể nhiều quảng cáo và rất nhiều rác. Nhưng điều facebook làm được là thu hút được một số lượng đông đảo người dùng trên toàn thế giới (cũng giống như Yahoo ở Việt Nam vậy), vì vậy muốn keep in touch với ai, nhất là bạn nước ngoài, chỉ cần search họ trên facebook, rất nhiều khả năng là sẽ tìm thấy. Ngoài ra facebook còn phát triển dựa trên những ứng dụng được tạo ra bởi chính người dùng, tuy chưa đảm bảo là hay ho, nhưng là điểm khác biệt với những trang mạng xã hội khác.

Youtube. Nói youtube thật ra chỉ là mượn cái tên, tức là để nói về video online nói chung vậy. Sự thành công của youtube cũng chính là đặc điểm nổi bật nhất của new media: nội dung được quyết định bởi người dùng. Chỉ chưa đến 5 phút lập một tài khoản, ai cũng có thể tải lên mạng những video của riêng mình, thậm chí sở hữu một kênh truyền hình của mình. Nếu ở ngoài đời thực, bạn cần giấy phép để có thể có một đài truyền hình, thực ra việc đó trở nên quá dễ dàng với youtube. Đấy chính là điểm mà new media đã vượt trội, và vượt quá cả tầm kiểm soát mà ta vẫn có đối với old media.

Wikipedia. Cùng với Google, Wikipedia làm cho việc tiếp cận tri thức của con người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả thông tin được quyết định bởi người dùng, cập nhật liên tục. Khoan hãy nói đến việc thông tin đáng tin cậy hay không đáng tin cậy, Wiki là bước phát triển tất yếu của thời đại internet, khi mà thông tin, tài sản giá trị nhất ngày nay, được chia sẻ đều và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người sử dụng mạng.

Blogging. Chưa lúc nào con người có thể dễ dàng bày tỏ bản thân, và “xuất bản” những suy nghĩ của mình dễ dàng như lúc này. Nhu cầu được chia sẻ, được nói ra những gì mình nghĩ, được thể hiện mình luôn luôn là nhu cầu lớn của con người, điều đó giải thích vì sao blog lại thành công đến thế. Nhưng điều này vẫn có sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Ở đây tớ nhận ra, khi facebook lên ngôi, cũng đồng thời là lúc my space tàn lụi. Giới trẻ ở Úc giờ chẳng còn mấy ai ngồi kì cạch gõ những bài viết dài lan man kể lể về tâm sự của mình, thay vào đó là những câu status ngắn gọn, để rồi nhận đc những comment ngay tức thì, trên facebook. Nhưng ngược lại, blogging vẫn đang tận hưởng thời kì hoàng kim ở các nước châu Á. Điều này có thể giải thích bằng văn hóa, khi văn hóa phương Đông coi trọng nhiều đến cảm xúc, sự bộc lộ bản thân, phương Tây thì ngược lại khá là laid-back, và chuộng sự đơn giản, nhanh gọn nhẹ (Chưa kể bọn Úc thật ra vốn nổi tiếng khắp thế giới với tính lười). Người ta nói đến 2012, tài nguyên trên mạng internet sẽ cạn kiệt, sẽ không còn đủ chỗ cho lượng thông tin khổng lồ đang tăng lên theo cấp số nhân như hiện nay. Không biết đến lúc ấy việc blogging sẽ trở nên thế nào? Có khi giờ tớ cũng phải bớt viết entry nhảm đi, để tiết kiệm tài nguyên cho nhân loại nhỉ.

Tương tự, những làn sóng mới nổi ví dụ như Twitter (cũng đã nhanh chóng trở thành một động từ: twitting), hứa hẹn có thể sẽ trở thành một trào lưu trong tương lai gần. (Mình thì chưa tin lắm về điều này, nhưng chưa biết được, tuy nội dung của Twitter rất đơn giản, nhưng nó có lợi thế là dễ dàng cập nhật trên thiết bị di động, và đặc biệt là làm cho người dùng có cảm giác ngang bằng với các celebrities, khi rất nhiều ngôi sao hiện đang sử dụng twitter để fan update tình hình của mình).

Nếu như với các phương tiện truyền thông cũ, thông tin được gửi đi theo hướng một chiều, tức là một phần nhỏ dân số, những người nắm trong tay các phương tiện này, quyết định thông tin nào nên đưa ra, và phát tán cho phần lớn còn lại, thì ở new media, tính tương tác được đẩy lên cao hết mức có thể. Bạn có thể tranh luận rằng tính tương tác vẫn tồn tại ở old media, bạn có thể viết thư cho báo, cho đài truyền hình, nói lên những phản hồi của bạn, nhưng so với những gì new media có được, điều này thực sự là rất nhỏ bé. Ở new media không có chuyện thông tin một chiều, bạn có thể gửi phản hồi ngay dưới bài viết nếu là báo điện tử, nếu là blog, youtube, wiki, thông tin là do chính bạn tạo ra, được đọc bởi toàn thế giới, và ngược lại. Điều này làm cho thông tin lan đi với một tốc độ nhanh hơn nhiều so với phương tiện truyền thông cũ, khi ai cũng có thể là nhà cung cấp thông tin. Hãy thử nghĩ xem, bạn bắt gặp một thông tin nào đó thú vị trong cuộc sống, bạn lên facebook và chia sẻ với bạn bè của mình, và nhờ một đặc tính khác nữa của new media, networked, một người bạn trong friendlist của bạn của bạn lại là người có chuyên môn về lĩnh vực này, bạn có cơ hội thảo luận với anh ta, và rồi từ anh ta thông tin này lại càng được lan truyền nhanh hơn bao giờ hết. Ví dụ cập nhật nhất là hiện tượng Susan Boyle, giờ đã nhanh chóng trở thành thần tượng trên cộng đồng mạng, với rất nhiều fan club khắp nơi trên thế giới (Nếu bạn chưa biết Susan Boyle là ai, hãy thử GOOGLE cái tên này, hehe). Ngoài ra, một điểm cực kì quan trọng nữa của new media, đó là tính hội tụ của nhiều phương tiện truyền thông một lúc (convergence). Đó là khi bạn chat với bạn bè về, Susan Boyle chẳng hạn, trong cửa sổ chat bạn có thể đặt cả video youtube, một TV thu nhỏ, và cả 2 cùng xem và cùng bình luận (mang tính tức thời hơn rất nhiều so với việc bạn xem trên TV, và phải chờ đến tận sáng hôm sau đến trường để được bàn luận về nó với ai đó), hoặc là khi bạn embed một bài hát trong blog, gửi link blog qua mail, và bạn của bạn xem nó trên điện thoại di động bigsmile Convergence ngoài ra còn có nghĩa là sự hội tụ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trên cùng 1 sàn chung là internet. Tức là bàn tay của internet đang dần dần xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực khác nhau, kéo chúng gần lại với nhau, và sẽ đến lúc hợp lại làm một trên một không gian chung.

Nhưng bạn nghĩ internet là hoàn toàn tự do, dân chủ? Đúng là internet dân chủ hơn những phương tiện truyền thông cũ, và thật ra pháp luật đang gặp rất nhiều khó khăn với việc tác động lên internet, nhưng nếu bạn nghĩ bạn là người quyết định hoàn toàn thì bạn có lẽ đã nhầm. Internet có thể không/ít bị quản lý bởi chính quyền, nhưng nó lại được thâu tóm bởi những thế lực khác. Đó là những người khổng lồ như ta vừa kể trên kia. Nếu bạn cần tìm kiếm gì, bạn google nó. Nếu bạn cần xem video, bạn tìm đến youtube đầu tiên. Nếu cần giữ liên lạc với bạn bè, bạn lên facebook. Dường như chúng ta không có nhiều lựa chọn lắm, đúng không? Ai đó sẽ nói, “Không, tôi ko thích facebook, tôi dùng nó đơn giản vì tất cả bạn bè tôi đều ở đó”.A, cái này nghe quen quen, nghe giống như lí do chúng ta vẫn đem ra để bao biện hộ cho Yahoo 360 vậy. Và kết quả thì các bạn có thể thấy đang diễn ra, người dùng, dù rất rộng lượng, cũng đã dần dần bỏ 360 mà đi. Nói thế để thấy là, những sự thâu tóm vô hình của những bàn tay khổng lồ kia, biết đâu có thể còn nhiều nguy cơ hơn cả sự kiểm soát hữu hình của luật pháp.

Tất cả những điều này chắc chắn bạn không hề nghĩ đến nếu chỉ cách đây 10 năm đúng không. Đúng là từ xưa đến nay thế giới luôn luôn thay đổi, nhưng cũng phải công nhận rằng, chúng ta đang sống trong kỉ nguyên mà những thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt nhất từ trước đến giờ. Internet đang thay đổi tất cả chúng ta.

Note: Chính vì nhận ra tầm quan trọng của Internet, cũng như vai trò của nó trong nền kinh tế hiện tại và trong tương lai, chính phủ Úc đang xúc tiến một dự án 8 năm mang tên NBN (National Broadband Network). Ai cũng biết mạng internet ở Úc hiện nay tụt hậu so với các nước phát triển khác, một phần bởi vì dân cư trải ra trên một diện tích quá rộng lớn, rất khó cho việc xậy dựng một hệ thống mạng tốt. Dự án NBN là một dự án lớn phạm vi toàn nước Úc, chủ trương thay toàn bộ cáp từ lõi đồng sang lõi fibre (cấu trúc sợi?), bởi vì đồng là tài nguyên có hạn, dung lượng và tốc độ vận chuyển thông tin chỉ ở mức nhất định, nếu NBN thành công, hứa hẹn không những dung lượng truyền tải lớn hơn, mà tốc độ cũng nhanh hơn gấp 100 lần broadband thông thường. Wow công nhận nếu điều này mà thành hiện thực thì đây sẽ là bước đột phá lớn, chỉ tiếc là có khi lúc đấy mình ko ở Úc nữa rồi, ko thì down phim sẽ nhanh phải biết cool

Ảnh: Tớ đang ngồi … nghe giảng bigsmile Thay vì phải ở trên giảng đường vào một thời điểm nhất định nghe giáo viên giảng bài, lúc đó tớ có thể dành thời gian làm việc khác, chỉ cần lên mạng, download bài giảng về, copy vào mp3, tớ có thể tiếp cận cùng 1 nội dung, nhưng vào lúc tớ … nhiều hứng thú nhất, chưa kể có thể vừa nghe vừa làm nhiều việc khác. Đúng như anytime you like, anywhere you like. Đấy chính là cách new media thay đổi cách sống của chúng ta vậy.

Leave a Reply to Helen Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *