Nicholas Sparks

[Spoiler alert]

Ở nhà một mình vào đêm Giáng sinh, mình mở Netflix và cứ nghĩ rằng chọn một phim dựa trên truyện của Nicholas Sparks thì chắc chắn sẽ được đảm bảo một buổi tối nhẹ nhàng, lãng mạn và với kết thúc có hậu. Sau bao nhiêu năm đọc Nicholas Sparks, thế mà mình vẫn sai. Cũng nhẹ nhàng, cực kì lãng mạn, nhưng Message in a Bottle không kết thúc có hậu vì hai người không đến được với nhau và sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng nghĩ lại, mình chỉ đoán nhầm đoạn kết thúc có hậu thôi, còn lại truyện của Sparks vẫn thế, vẫn là những gì mình đã quen bao nhiêu năm qua.

Nicholas Sparks không phải kiểu nhà văn đoạt giải Nobel. Truyện của Sparks không có những đoạn thắt nút rối ren và những đoạn mở nút tài tình, không dùng những từ ngữ cao siêu, không bàn chuyện triết lý, không cố gắng giải thích các vấn đề văn hóa xã hội. Truyện của ông đơn giản, dễ đoán, dễ đọc. Thậm chí sau khi đọc nhiều truyện của Sparks và nhận ra những mẫu hình lặp đi lặp lại, có thể rút ra rất nhiều điều về tác giả, ngay cả khi không tìm hiểu bất cứ thông tin nào khác ngoài tác phẩm. Người ta có thể thấy tác giả là người ở độ tuổi trung niên, 50 – 60 tuổi, vì phần lớn các truyện của ông (trừ A Walk To Remember và The Last Song) đều nói về tình yêu của những người đã có những chai sạn, những va vấp nhất định trong cuộc sống, hoặc tình yêu nảy nở từ tuổi trẻ nhưng chín muồi ở độ tuổi trung niên. Tác giả là người lãng mạn, thậm chí đến mức hopeless romantic, và đặc biệt tin vào tình yêu. Ông có lẽ có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, thể hiện ở The Notebook và The Wedding. Tác giả có lẽ sinh ra ở vùng nông thôn và có quãng thời gian thơ ấu đáng nhớ, nhưng sau đó lên thành phố lập nghiệp và lập gia đình. Gần như trong tác phẩm nào của Sparks hình ảnh các vùng quê đầy chất Mỹ đều hiện lên rất rõ, nhưng đồng thời trong hầu hết các tác phẩm đều có sự đối lập giữa thành phố và nông thôn, và có sự xa cách về khoảng cách địa lý giữa hai người yêu nhau (The Last Song, The Notebook, Message In A Bottle, A Bend In The Road, The Best Of Me, etc.). Sparks có lẽ cũng là người yêu biển, vì trong rất nhiều truyện ông lấy một thị trấn ven biển làm bối cảnh, và vai trò của biển hiện lên mạnh mẽ, ví dụ như Message In A Bottle, The Last Song, và Nights In Rodanthe.

Truyện của Sparks không đặc sắc, và có lẽ đối với nhiều người đó không phải là thể loại ưa thích vì cốt truyện đơn giản, lời văn không cầu kì, mô típ dễ đoán và có phần lặp lại. Nhưng không phải không có lí do mà 10 trên tổng số 18 tiểu thuyết của ông đã và đang được chuyển thể thành phim. Chẳng cần phải quá tinh tế cũng có thể nhận ra độc giả và khán giả của truyện và phim của Sparks là phụ nữ, những phụ nữ cũng thuộc dạng hopeless romantic như tác giả, luôn mong chờ một người đàn ông cũng lãng mạn và tinh tế như tác giả và như những nhân vật nam chính trong truyện của ông. Mình đã từng nhầm truyện của Sparks luôn kết thúc có hậu, nhưng mình nhớ ra The Best Of Me cũng không có hậu đối với hai nhân vật chính, nếu “có hậu” nghĩa là họ sống với nhau hạnh phúc mãi mãi. Nhưng có một điều mà những người chọn truyện và phim của Nicholas Sparks có thể luôn chắc chắn, đó là niềm tin vào tình yêu luôn luôn hiện diện. Kể cả khi nhân vật chính chết hoặc không còn tỉnh táo, tình yêu của họ luôn tồn tại và được truyền lại đến những người còn sống, rõ nhất là The Best Of Me, nhưng quen thuộc nhất có lẽ là The Notebook. Bất kể thế nào, truyện của Sparks luôn kết thúc với một nốt thăng lạc quan và một niềm tin mãnh liệt vào không những sự tồn tại mà còn sức mạnh to lớn của tình yêu.

Leave a Reply to zetxb Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *