Phần Lan: Ước mơ thành hiện thực

Suốt bao lâu mơ mộng và cả một năm kín tiếng úp úp mở mở, mình đã chờ mãi cái giây phút này để được hét trên blog rằng:

Chỉ cần thật sự khao khát, sẽ chẳng có gì là không thể hết!

Những ai quen mình có thể biết mình đã mơ ước được sống ở Phần Lan (chứ không phải là chỉ cần đặt chân đến kiểu đi du lịch) từ lâu rồi. Lần đầu mình chính thức nói ra ý tưởng này đã từ cách đây 4 năm, và xác định sẽ ở đây nửa năm là từ 2008, mặc dù lúc đó chưa hề biết sẽ làm thế nào và bao giờ. Có thể là trùng hợp, có thể là may mắn, nhưng mình cũng sẽ không phủ nhận có cả rất nhiều nỗ lực và quyết tâm để cuối cùng mình biến nó thành hiện thực.

Hầu như đến 80% những người được gặp sẽ hỏi vì sao mình lại chọn Phần Lan. Mỗi lần trả lời một kiểu, nhưng chưa lần nào mình thấy thỏa mãn. Có lẽ, lí do sâu xa nhất để chọn Phần Lan là mình dễ bị hứng thú và có nhiều cảm hứng với những điều lạ, những gì mà ít người làm. Lần đầu mình bắt đầu manh nha ý tưởng này là từ hồi đầu cấp 3 khi đọc những tâm sự, nhật kí của các anh chị du học sinh Phần Lan trên ttvn. Không ai chủ định dạy nhưng từ bé mình đã có ý thức rằng không được để cái gì cản trở sự mơ ước của bản thân, bất kể ước mơ có cao xa đến đâu. Hồi đó cái tên Phần Lan nghe xa xôi lạ lẫm lắm, cảm giác như ở một thế giới khác vậy, ở Hà Nội ngoài việc “nước máy Phần Lan” (mà hiện nay cũng còn ít người nhắc đến), Phần Lan lúc ấy và cả bây giờ vẫn còn khá xa lạ so với nhiều người, không phải chỉ ở Việt Nam đâu mà trên thế giới đất nước này cũng kém phần nổi tiếng hơn các nước châu Âu lân cận, cho dù không hề kém phát triển hơn. Chính thế mà mình lại càng muốn đến. Rồi mình bắt đầu tìm hiểu trên mạng, mình mua sách nói về Phần Lan, mình đạp xe đi dự các hội thảo du học, mình hỏi han về ngành báo chí ở các trường đại học. Càng tìm hiểu mình càng cảm phục cái đất nước cũng rộng bằng nước mình, số dân thì chỉ bằng một tỉnh, mà sao họ lại văn minh và tân tiến hơn cả những nước nổi tiếng như Mỹ đến vậy. Sau này, dù cuối cùng mình học ở Úc, nhưng cái ước mơ đấy vẫn đeo đuổi. Đối với mình, nghĩ về những ước mơ là cách để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Hồi ấy cứ mỗi khi chán nản, mình lại nghĩ xem sẽ chọn đi Phần Lan hay Thụy Điển, một nơi là mơ ước từ nhỏ, một nơi là thiên đường cho tự do báo chí, mơ mộng một hồi thế là mình sẽ quên ngay vì sao vừa nãy lại chán bigsmile

Không được đi học ở Phần Lan, nhưng từ ngày đầu vào Murdoch, mình đã chú ý đến chương trình exchange, dự định là mình sẽ học hết các môn quan trọng, để dành kì cuối đi exchange, vì tính ra cũng chẳng mất thêm tiền nếu so với ở Úc. Dự định thế thôi nhưng mình cũng chẳng dám nói với ai cả. Thế nên có khi không phải một năm, mà quá trình chuẩn bị cho việc mình sang đây đã bắt đầu từ hơn hai năm trước rồi. Nhiều chuyện tín chỉ phức tạp, đại khái là ngay từ kì thứ 2 của năm nhất mình đã phải xin đặc cách được học môn của năm thứ 2 để đảm bảo chương trình học gói gọn trong 3 năm. Rồi từ khi bắt đầu làm đơn xin đi exchange cũng là cả một chặng đường gian khổ mà mình phải tự lo hết, vì có kể lúc ấy cũng chẳng ai hiểu hay làm hộ được. Murdoch chỉ giúp gửi đơn trên danh nghĩa là gửi từ Murdoch, chứ không hề giúp mình một khâu gì. Nào là xin nhận xét của các giáo viên, nào là tìm môn học phù hợp để thay thế các môn ở Murdoch, rồi xin ý kiến giáo viên chủ nhiệm khoa, giáo viên không đồng ý, cứ tưởng phải bỏ rồi, thì lại tìm được môn khác mà giáo viên tạm chấp nhận. Rất nhiều lần mình cứ tưởng thôi thế là xong mình không được đi nữa rồi, cuối cùng thế nào đó mà đều có cách mới hay chứ. Ví dụ đến kì trước mình mới được biết cấu trúc các môn học của ngành Báo chí đã thay đổi từ trước, những sắp xếp của mình từ năm đầu có khả năng công cốc và mình có nguy cơ phải ở lại Murdoch kì cuối để hoàn thành nốt tín chỉ bắt buộc (vì trường mình chọn ở Phần Lan không dạy ngành Báo chí bằng tiếng Anh). Đợt ấy mình đôi co với giáo viên, rồi gửi thư tán loạn cho người này người kia trong trường, như người mất hồn chả thiết gì nữa. Lúc ấy đang nghỉ ở nhà, rơm rớm bảo mẹ mua cho cái gì để thắp hương cầu các cụ phù hộ. Cuối cùng cũng nhờ các cụ, mọi việc lại được sắp đặt êm xuôi, giáo viên mà mình đã từng đôi co, trước khi chia tay trong buổi học cuối cùng, hóa ra vẫn còn nhớ, và còn dặn mình nếu sau này cần gì giúp đỡ cứ hỏi. Rồi lại gần đến sát lúc từ Úc về Việt Nam rồi, trường bên Phần Lan mới gửi mail sang bảo vẫn chưa nhận được online application, lúc ấy mình lại tá hỏa, vì Murdoch hứa gửi cái này từ lâu rồi. Nói chung, mình sống bằng mơ mộng, mà cái này là một trong những ước mơ hiếm hoi cực kì nghiêm túc của mình, nên mỗi lần mà có trục trặc gì là đau tim lắm, nếu mà chưa giải quyết được thì mình sẽ như người mất hồn ăn không ngon ngủ không yên.

Nhưng mà hình như càng mong ước cái gì thì trời càng trêu ngươi, sẽ gặp khó khăn hết đận này đến đận kia. Đến tưởng như cái bước cuối cùng là xin visa thôi mà cũng trục trặc, làm mình chậm mất cả một tuần học, thậm chí mình còn gọi đến sứ quán nhiều đến mức sau này họ thuộc cả họ cả tên mình.

Và ngay lúc mình đang định gọi điện hủy vé máy bay (lần thứ n) thì sứ quán gọi đến lấy visa. Cũng là nhờ ơn các cụ.

Thế nhưng chưa hết, lúc ở sân bay, mình biết mình bị Pre-Flight Tension, cứ ra sân bay check in là nôn nao, nhưng cả đời chưa bao giờ mình run mạnh đến thế, đầu óc quay cuồng, chỉ muốn ói. Đến lúc ấy mẹ mới bảo “Biết thế mẹ không bao giờ chiều con nữa”. Ơ hóa ra mẹ đồng ý chỉ vì mẹ chiều con à, thế không phải mẹ cũng nghĩ giống con là được đi nhiều nơi thì sẽ càng được mở mang tầm mắt à? Không, con có ốm yếu đâu, con chỉ bị PFT thôi đó mà. Đúng là chia tay gia đình một cái để vào khu cách ly là con hết run luôn còn gì.

Nhưng có lẽ nếu không phải vì gặp sự cố (lại sự cố!) thì cũng chưa chắc mình đã hết run được. Ấy là chả hiểu sao hộ chiếu của mình khi qua cửa hải quan bị đem đi kiểm tra ở tận đẩu tận đâu, qua hết tay người này đến người khác. Mà mấy ông hải quan mặt khinh khỉnh không thèm nghĩ đến việc người ta sắp lỡ chuyến bay làm mình tức muốn khóc. Cuối cùng phải đến gần nửa tiếng sau khi bắt mình ôm đống hành lý đứng đấy hộ chiếu mới được đem ra. Mình là người cuối cùng lên máy bay :-s

Đến Ba Lan không hiểu sao hộ chiếu và visa của mình cũng bị soi lâu tương tự. Lúc ấy sợ dã mân, chả nhẽ chưa được đến Phần Lan đã bị bỏ tù vị tội nhập cư bất hợp pháp thì nhụt. Chả biết được đâu, trời có nhiều cách trêu người lắm. À lúc ở Warsaw mình mới gặp một anh cũng cùng sang Phần Lan với mình, thậm chí cũng học ở cùng một trường ở Turku với mình. Chả hiểu sao số mình đi du lịch hay gặp quý nam phù trợ (sang Quảng Châu gặp Sky Chan, sang Lào gặp bạn Sheng, sang Singapore gặp anh Đức, sang Bali gặp Arie), mình chịu, nhưng nói chung mình lại có người để bám càng lúc đi thăm thú thủ đô của Ba Lan trong lúc chờ transit.

Cuối cùng thêm một vài tiếng bay (và một tiếng delay) thì mình cũng được đặt chân đến Helsinki. Rất tiếc là anh Việt chưa về Turku ngay nên mình lại phải tiếp tục thân gái dặm trường, băng gió lạnh vượt tuyết đi tìm bến xe bus để kịp bắt chuyến cuối cùng về Turku. Lần đầu tiên nhìn thấy tuyết của mình lại bị gian nan thế, nên chả có cảm xúc gì lãng mạn cả. Ngồi trên xe buýt từ Helsinki về Turku, mình vẫn không thể tin được là sau bao nhiêu năm đó cuối cùng cái ước mơ điên rồ của mình lại thành sự thật, giống cảm giác ngồi trên xe khách đi Lào mà vẫn không thể tin 2 chị em lại liều đến thế. Mình đã ở Phần Lan rồi đấy. Ngẩng đầu lên thấy tuyết rơi bên ngoài cảm giác như hằng ha sa số những bông tuyết trắng đang rơi thẳng vào mặt mình. Mình chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết, lúc ấy ở Việt Nam cũng đã là 2 giờ sáng rồi…

Leave a Reply to Anonymous Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *