Thư viện quốc gia – Khi yêu sách gặp phải yêu sách

Đợt này mình có việc cần phải dùng sách trong Thư viện Quốc gia nên có dịp trải nghiệm thư viện lớn nhất Việt Nam này. Mình đã từng đến và dùng rất nhiều thư viện trên thế giới, trước đây cũng là độc giả một thời tại thư viện Hà Nội, nhưng đây là lần đầu tiên mình đến Thư viện Quốc gia. Mình không quá kỳ vọng vào một thư viện hiện đại, văn minh, đồ sộ, vì mình cũng không gà mờ đến nỗi không hiểu khái niệm thư viện ở Việt Nam nó xa rời cuộc sống thường ngày của phần lớn người dân đến như thế nào. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần như vậy, nhưng tổng thể trải nghiệm của mình với tư cách một độc giả, một người sử dụng dịch vụ của Thư viện Quốc gia (TVQG) vẫn là một nỗi thất vọng tràn trề, thậm chí đi hết từ ức chế này đến ức chế khác.

Làm thẻ

Nếu đây là lần đầu tiên bạn vào TVQG, chắc chắn bạn sẽ trải qua những bước sau đây. Khi vào phải xuống xe tắt máy ngay từ cửa, cảm nhận đầu tiên sẽ là thư viện công cộng dành cho công dân nhưng không khác gì bất cứ một cơ quan công quyền trịch thượng nào khác. Okie, quy tắc chung nó thế rồi vậy thì đành theo. Sau đó vì không có một biển chỉ dẫn nào phản xạ của bạn sẽ là đi thẳng từ khu gửi xe đến khu nhà chính, hi vọng đến đó sẽ có hướng dẫn. Nhưng vừa đi được một bước bạn sẽ bị gọi giật lại với một giọng phách lối, kiểu như là, “Hai đứa kia đi đâu đấy?” từ một bác ngồi tại một bàn góc chỗ gửi xe. Quay lại chỗ bác, sẽ nhìn thấy tấm biển nhỏ đặt trên bàn đại ý là ai vào cũng phải trình thẻ cho bác này xem. Ơ nhưng TVQG theo mình biết là không được mượn sách về mà, đọc sách tại chỗ mà cũng cần thẻ sao? À thôi đây là VN mà, tiền quạt tiền đèn đâu có phải vỏ hến đâu mà phung phí cho dân dùng tự do được, mặc dù dân chính là người đóng thuế để xây nên cái thư viện này đi nữa. Thôi thì nước dân trí thấp nhưng chính quyền thay vì khuyến khích dân đọc sách thì lại phải đi tính thiệt hơn từng xu từng hào cơ. Vậy thì đi làm thẻ. À mà còn đang có triển lãm 70 năm cách mạng tháng 8 ở trong khuôn viên thư viện, ngoài đường còn ghi rõ là Vào cửa tự do, nhưng thực tế là ai, bất kể vào làm gì, cũng phải trả tiền và làm thẻ đã.

IMG_20150911_102631

Quá trình làm thẻ thì thật ra là điểm cộng duy nhất của TVQG. Không cần mang ảnh, chụp ảnh và in thẻ cứng ngay tại chỗ, tất cả diễn ra trong khoảng 5 phút. Nhân viên cũng lịch sự hơn (sau này mình nhận ra những chỗ có thu tiền tươi thì nhân viên đều niềm nở hơn một chút), mặc dù cảm giác công quyền xin cho vẫn bao trùm nên những người đi làm thẻ vẫn chỉ dám khúm núm như con gián.

Gửi đồ

Điều gây ức chế nhất và làm mình muốn thề không bao giờ quay lại TVQG đó là việc gửi đồ. Mình sử dụng dịch vụ thư viện công cộng, đó là một trong những quyền tối thiểu của mình với tư cách một công dân, mình trả tiền làm thẻ đàng hoàng, nhưng mình vẫn bị hạch sách bởi những nhân viên bảo vệ, gửi đồ, như cố tình làm khó để càng ít người vào thư viện càng tốt.

Sau khi gửi xe, xuất trình thẻ thư viện, bạn sẽ phải QUAY NGƯỢC LẠI, RA NGOÀI KHUÔN VIÊN THƯ VIỆN để gửi đồ. Vị trí của phòng gửi đồ này được thiết kế quá thông minh đi, nhưng đấy là một trong những điều ít đáng phàn nàn nhất về nó rồi. Việc gửi đồ là một việc rất nhiêu khê, nhưng cũng không phải không có lí do vì mục đích là để hạn chế việc tuồn sách của thư viện ra ngoài một cách trái phép, nên mình vẫn có thể thông cảm được. Hầu hết các thư viện công cộng ở nước ngoài không bắt gửi đồ vì nếu đem sách ra ngoài sẽ bị cổng an ninh phát hiện ngay, nhưng nếu có phải gửi thì bước này cũng sẽ được thiết kế một cách tiện lợi nhất có thể cho người sử dụng. Dù sao thì đây vẫn là Việt Nam, mình chấp nhận việc phải gửi đồ (mặc dù mình sẽ phải cầm theo rất nhiều thứ máy tính, dây sạc, chai nước, sách vở đi một quãng đường vài trăm mét để vào tòa nhà chính, nếu trời mưa thì cũng vô cùng bất tiện), nhưng những hạch sách đi kèm theo nó là việc mình không thể chấp nhận nổi.

Hôm nay, lần thứ 4 đến TVQG, mình mang theo nhiều đồ trong balo vì sau đó còn đi nhiều việc khác. Sau khi lấy máy tính và những đồ cần thiết ra, mình đưa balo cho chú giữ đồ (ngồi trong phòng ở vị trí cao, tiếp dân qua một ô cửa nhỏ xíu), chú bảo những đồ này chú không nhận, chỉ nhận giữ balo không có gì. Mình hỏi chú tại sao và nếu chú không cho gửi thì sao cháu có thể cầm hết những đồ này trong tay để vào thư viện được. (Đồ của mình chẳng phải vàng bạc đô la gì quý giá mà không nhận giữ, chỉ là ít quần áo và đồ vệ sinh cá nhân vì tối hôm đó mình đến ngủ với bà. Cho dù vậy, một là cồng kềnh, hai là có những đồ nhạy cảm thì mình cũng không thể cầm khơi khơi vào thư viện được) Mình nói năng lễ phép, nhưng chú đó không thèm giải thích, chỉ chỉ mình ra đọc bảng nội quy thư viện. Okie, vậy ra đọc. Và bảng nội quy nó như thế này:

IMG_20150911_102327Điều 2: Túi, cặp (trừ tiền, tư trang cá nhân), tài liệu không phải của Thư viện Quốc gia yêu cầu gửi tại phòng bảo vệ, không được mang vào các phòng phục vụ bạn đọc.

Mình không hiểu định nghĩa “tư trang cá nhân” nó rộng đến đâu, và TVQG quy định như vậy chẳng phải là cố tình bắt chẹt người sử dụng? Mình quay lại hỏi chú và lần này thậm chí chú còn không thèm trả lời, giả vờ không nghe thấy, sau đó thì đẩy cả balo của chồng mình (đã gửi trước đó) ra không nhận và bảo mình ra chỗ khác để cho người khác gửi.

Phải nói là nếu ức chế với quy định theo kiểu hạch sách của TVQG một, thì thái độ xử sự vô văn hóa của nhân viên thư viện làm mình ức chế mười. Nhưng kể cả không nói chuyện thái độ, thì quy định như vậy rõ ràng là cố tình làm khó cho người đọc sách tại thư viện. Mỗi người đi ra đường đều có những mục đích khác nhau, cần phải mang theo nhiều vật dụng khác nhau. Thư viện đã bắt người đọc phải gửi đồ, nhưng chỉ nhận túi cặp trống không và không nhận trông những đồ dùng trong đó, chẳng phải là cố tình gây khó dễ, chỉ cho phép những người đi ra khỏi nhà với mục đích duy nhất là đến thư viện vào, và ngăn cấm tất cả những người khác? Điều này thể hiện sự lộng quyền, hạch sách của một thư viện tự nhận là quy mô nhất Việt Nam, cho rằng mình đang bố thí dịch vụ cho công dân. Ngay cả siêu thị khi đã bắt gửi đồ họ cũng phải nhận trách nhiệm trông coi tài sản cho khách. Nếu đã không muốn nhận trách nhiệm khi bảo quản đồ tư trang của khách, vì sao không gắn chip lên sách và làm cửa an ninh như mọi thư viện văn minh khác? Hoặc nếu một việc đơn giản như vậy cũng không làm được, sao không làm hệ thống tủ có khóa như bao nơi khác để khách có thể tự cất đồ của mình? Vì sao phải chi ngân sách thuê những hai bảo vệ, lúc nào cũng ngồi trong phòng điều hòa nhiệt độ cực thấp (balo lấy ra luôn trong trạng thái mát lạnh), xem HBO, cũng không phải làm nhiệm trông xe hay soát thẻ, vậy mà ngay đến việc trông đồ cho khách cũng không làm cho tử tế? Lương của hai người như vậy, cộng với tất cả những chi phí cho phòng đó, nếu để mua một tủ để đồ chất lượng tốt, và nâng cấp rất nhiều thứ khác cần nâng cấp của thư viện thì vừa tăng chất lượng dịch vụ mà lại nâng cao hình ảnh của TVQG nhiều vì khách đến đọc đỡ một khâu nhiêu khê và bớt được nhiều phần ức chế!

Tra cứu và đọc sách

Đầu sách của TVQG có thể tra cứu online, nhưng thư viện (có vẻ) hoành tráng thế mà thậm chí không kiếm nổi một cái tên miền hoặc đường link tử tế cho trang tra cứu. Nếu muốn tra cứu tại nhà hoặc bằng máy riêng chứ không phải máy của thư viện thì bắt buộc phải đi qua trang chủ nlv.gov.vn hoặc nhớ cái địa chỉ siêu đẹp là http://103.23.144.229/opac/. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là một chuyện rất nhỏ, có những chuyện củ chuối hơn ví dụ như trang tra cứu này (thấy chồng bảo server nằm luôn trong tòa nhà) khi truy cập bằng máy cá nhân thì thường xuyên bị down không vào được, hoặc khi tìm được quyển sách bạn cần, vị trí sách ghi là tầng 2 nhà D, bạn cũng chẳng biết được nhà nào là nhà D vì tuyệt nhiên cả khuôn viên thư viện rộng lớn không hề có một cái biển chỉ dẫn nào. Đã vào TVQG là đồng nghĩa với việc bạn phải mở mồm ra hỏi, để cho người ta nhấm nhẳng trả lời bạn (đấy là nếu may mắn tìm được người để mà hỏi), chứ thư viện to nhất Việt Nam quá cao quý để mà đi đặt mấy cái biển cho bạn biết đường mà tìm. Việc leo lên 5 tầng nhà, đến đúng tầng rồi nhưng phát hiện ra phía bạn vừa đi lên không vào được và phải đi xuống để lên lại bằng cầu thang bên kia là chuyện vô cùng bình thường nhé.

Sau khi đã tìm được sách cần tìm, hỏi được cái phòng chứa quyển sách ấy nó nằm ở đâu, giả dụ sách của bạn cần nằm trong phòng đọc yêu cầu ở tầng 2 chẳng hạn (à mà phòng đó cũng không có biển đâu nha, hên thì hỏi được trúng phòng còn không thì ráng đi hết phòng này sang phòng khác mà hỏi), bạn sẽ được hướng dẫn lại quay xuống tầng 1 để MUA PHIẾU YÊU CẦU. Tức là bạn phải mua một cái form để điền thông tin sách, sau đó đem lên phòng yêu cầu người ta sẽ lấy sách cho. Giá của phiếu yêu cầu là 1000đ/tập, không biết một tập là cụ thể bao nhiêu tờ vì người ta đưa bạn tầm vài tờ và bạn chỉ biết nhận thế thôi. Không hiểu mấy tờ giấy bé bằng bàn tay ấy nó tốn kém đến cỡ nào mà cái thẻ thư viện 120k bạn vừa trả vẫn không kham nổi, mà khó hiểu hơn nữa là đặt mấy tờ giấy ở ngay trong phòng yêu cầu khó khăn đến thế hay sao mà người ta còn bắt bạn phải đi xuống tầng 1 để mua mang lên. À mà nói trước là tầng có máy tính để tra cứu thì không có sách, còn tầng có sách thì không có máy để tra đâu, nên nếu bạn có đang đọc ở tầng 5 mà muốn tìm thêm sách khác, lại không có máy có 3G (phòng đọc dĩ nhiên là không có wifi rồi) thì bạn chịu khó lại đi xuống tầng 1 (nhớ đi đúng cầu thang nha) tra rồi chạy lên kiếm sách nha.

Nào thì đến khâu tìm sách. Tìm sách ở TVQG, kể cả khi có mã sách rồi, vẫn không phải chuyện đơn giản. Mỗi sách có 2 loại mã khác nhau, bạn phải biết sách bạn cần được xếp theo loại nào. Trong mỗi mã sách lại được xếp theo ABC nữa, nên bạn cứ yên tâm là sẽ lạc vào mê hồn trận luôn. Nhưng bạn phải cố mà tự tìm, vì nếu lỡ mà cần thủ thư giúp thì họ sẽ mắng bạn không biết tìm cứ như thể trước khi làm thẻ ai cũng được training về hệ thống sắp xếp sách siêu việt của TVQG rồi ý.

Mã 600 và mã NV11 là khác nhau nha
Mã 600 và mã NV11 là khác nhau nha

Chưa hết, nếu ai quen với hệ thống các thư viện văn minh một chút (chứ cũng chả cần hiện đại), sẽ biết là mã sách được dán ở gáy để tiện cho việc tìm kiếm, và đầu mỗi dãy giá sách cũng sẽ ghi khoảng để biết dãy đó chứa sách từ số nào đến số nào. Ở TVQG hả, hên xui, rất nhiều sách không có mã ở gáy, và nhiều giá sách không ghi một thông tin gì luôn.

Gáy sách không có mã nha, bạn tha hồ mà mò
Gáy sách không có mã nha, bạn tha hồ mà mò
Đầu giá sách trống trơn
Đầu giá sách cũng trống trơn luôn

Dịch vụ

Nhà vệ sinh

Nếu không nói đến quy định củ chuối và thái độ nhân viên hống hách, nhà vệ sinh có lẽ là thứ tồi tệ nhất ở trong TVQG. Không phải tầng nào cũng có nhà vệ sinh, nhưng nếu có, đó cũng chỉ là một phòng hai, ba buồng tồi tàn và bẩn thỉu cảm giác vài ngày mới được vệ sinh một lần, và bao nhiêu năm nay chưa được sửa sang. Tệ nhất là không hề có giấy vệ sinh. Thậm chí những người quản lý TVQG còn oái oăm và vô cớ đến nỗi cấm người ta… đi nặng. WTF??? Đi đâu mình cũng để ý nhà vệ sinh đầu tiên, bởi vì nó không phải là thứ lộ ra ngoài, nhưng là một phần vô cùng quan trọng của mọi công trình, thể hiện những người chủ công trình đó, địa điểm đó có thật sự quan tâm đến người sử dụng dịch vụ mà mình cung cấp không, hay chỉ khoe khoang những chi tiết hoành tráng ở bên ngoài để đánh bóng bản thân mình. Một công trình công cộng tầm cỡ quốc gia, nơi thậm chí nhà vệ sinh là một trong những thứ quan trọng nhất, vì không được mượn sách về nghĩa là người ta bắt buộc phải ngồi thời gian dài ở thư viện để làm việc, vậy mà chỉ đơn giản là một cái nhà vệ sinh sạch sẽ, đầy đủ giấy, nước, cũng không đáp ứng được. TVQG hàng năm chắc chắn nhận một nguồn ngân sách không nhỏ từ nhà nước, mỗi người đến sử dụng lại đều phải trả tiền, từng dịch vụ nhỏ xíu lại còn thu thêm tiền, vậy mà ngay đến giấy vệ sinh cũng không mua nổi, chẳng nhẽ bắt người ta phải xé sách ra mà chùi???

Nhà vệ sinh ở TVQG cấm... đi nặng, khác gì truyện Trạng Quỳnh đâu nhỉ
Nhà vệ sinh ở TVQG cấm… đi nặng, khác gì truyện Trạng Quỳnh đâu nhỉ

 

Gửi xe

Bạn nghĩ bạn đã đóng tiền làm thẻ, lại với chất lượng dịch vụ thấp như thế, chắc hẳn ít nhất gửi xe ở TVQG cũng phải không thu phí nữa. Nhưng nếu bạn nghĩ thế giống mình thì bạn cũng đúng là gà. Gửi xe ở TVQG, ngoài việc bạn được yêu cầu tắt máy dắt xe ngay từ ngoài cổng, còn có giá 4000VNĐ/lần. Bạn nghĩ với giá như vậy ít nhất người ta cũng phải cho bạn cái vé xe đàng hoàng, không có dấu đỏ thì ít nhất cũng phải là vé in? Thôi bạn đừng mơ nữa. Tờ vé xe của TVQG chỉ là một mấu giấy trắng nhàu nát được gạch xóa tái sử dụng nhiều lần y như một tờ giấy nháp của trẻ con. Bất cứ ai cũng có thể viết biển số xe lên một tờ giấy bất kì như thế, cộng thêm với nghề mở khóa xe máy nữa, thì việc trộm muốn lấy xe của bạn khi gửi trong thư viện là việc dễ như bỡn.

IMG_20150827_165736

Wifi

Đọc đến đây chắc bạn không gà đến nỗi cho rằng thư viện Quốc gia thì sẽ có wifi miễn phí toàn thư viện nữa đúng không? Xin nói với bạn là tất cả các phòng đọc sách nơi bạn buộc phải ngồi đó để làm việc thì không có wifi, còn phòng có wifi thì lại chả có tí sách nào. Vậy sinh ra phòng wifi để làm gì? Vào đây bạn sẽ thấy chị nhân viên rất niềm nở khi bạn trình thẻ, password wifi được ghi ngay ở trên bàn. Chỉ đến khi lấy thẻ ra về bạn mới hiểu phòng này sinh ra đâu phải để phục vụ bạn đọc nghiên cứu làm việc gì đâu, vì lúc đọc sách cần tra cứu thì làm gì có mạng, mà chỉ là để tiếp tục thu thêm tiền thôi. Bọn mình 2 người, ngồi khoảng 1 tiếng rưỡi, lúc đi ra bị thu 10 nghìn. Mà bạn nghĩ người ta sẽ nói trước với bạn về việc thu tiền, hay có bảng giá ở đấy à? Còn lâu nhé. Mất tiền mà chỉ biết ú ớ ngơ ngác nhìn nhau thôi. Không hiểu đây là năm 2015 hay 2005 mà còn hình thức thu tiền phòng net như vậy nữa.

Nhân viên

Ngoài những chị thủ thư niềm nở mà sau đó bạn phát hiện ra là những người sẽ thu tiền của bạn, ngoài chú bảo vệ rất thái độ và chú soát thẻ gọi bạn theo kiểu hống hách bố đời, ngoài chị nhân viên lễ tân tầng 1 ngồi ở góc khuất đến nỗi phải đến lần thứ ba bạn mới phát hiện ra có người ngồi ở đó, và bán cho bạn tập giấy yêu cầu như thể ban ơn, thì nhân viên TVQG nói chung cũng không đến nỗi QUÁ KINH KHỦNG như hình ảnh những cô thủ thư tầm 20 năm về trước. Thế nhưng mà, nếu bạn nhờ họ điều gì ngoài thủ tục thông thường (giữ thẻ, trả thẻ, thu tiền) một chút xíu thôi, bạn sẽ lại thấy sự cắm cảu quen thuộc thân thương của văn hóa làm dịch vụ ở miền Bắc Việt Nam hiện ra ngay. Nhờ tìm sách à? Chị thủ thư sẽ đi tìm cho bạn nhưng cũng không quên mắng bạn VÌ SAO LẠI TRA THEO MÃ NÀY MÀ KHÔNG TRA THEO MÃ KIA, cứ như thể TVQG của chị hướng dẫn rõ ràng lắm từng quyển sách nào xếp theo mã nào vậy. Bạn đang ở tầng 5 mà muốn check lại mã sách à? Chị thủ thư sẽ bảo em xuống tầng 1 tra đi, máy ở đây hỏng rồi, trong khi chị ý cũng có máy tính ngay trước mặt nhé.

Nói chung là, mình sẽ khuyên bạn nếu không có việc gì thật sự cần phải đọc một quyển sách cụ thể nào đó ở TVQG, thì bạn đừng bao giờ đến đây. Bởi mặc dù TVQG có lẽ là nơi có nhiều sách nhất Việt Nam, và đúng là có những quyển chẳng thể tìm ở đâu khác, nhưng để đến được với quyển sách bạn sẽ phải vượt qua ba vạn chín ngàn thử thách cả về tinh thần lẫn thể chất, người nào mà tâm không tĩnh như mặt hồ phẳng lặng là chắc chắn không thể vượt qua được đâu. Nhưng nói thế chứ cũng không khỏi uất ức, vì rõ ràng được dùng thư viện là quyền của mỗi người, với tư cách là công dân Việt Nam, chưa kể rất nhiều sách của TVQG là do các tổ chức quốc tế tặng và tài trợ miễn phí, ấy thế mà những người quản lý thư viện lại vô lý dựng lên những rào cản oái oăm và tham lam để ngăn người dân có thể tiếp cận được với sách và tư liệu. Thư viện cũng chỉ là một công trình công cộng cơ bản sinh ra để mọi người được hưởng, như công viên, bệnh viện, trường học, nhưng chính những người đóng thuế xây nên cái thư viện ấy còn bị hạch sách, bị coi như rơm rác khi đến sử dụng dịch vụ, thử hỏi không ức làm sao được?

Năm ngày sau khi đăng bài này, ngày 18/9/2015, mình đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo thư viện Quốc gia về những ý kiến góp ý trong bài. Chi tiết cuộc gặp được cập nhật ở phần 2.

Leave a Reply to huyền Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *