Tạm trú cho người trong tuổi nghĩa vụ. Có cần phải khó khăn thế không?
Hai vợ chồng mình sinh ra ở Hà Nội. Bọn mình mới chuyển vào TP. HCM sinh sống. Sài Gòn chẳng có gì để chê, trừ việc Sài Gòn nhất định không cho chồng mình “tạm trú”.
Từ 1/1 năm nay độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc được tăng lên 2 năm đối với những người đã được hoãn nghĩa vụ quân sự trước đó vì học đại học. Chồng mình vì vậy vẫn ở trong độ tuổi gọi nhập ngũ. Và cũng chính vì thế nên con đường xin giấy xác nhận tạm trú của chồng tại TP. HCM đầy gian nan và vẫn chưa có hồi kết chứ không được dễ dàng như mình.
Khi đăng ký tạm trú, chồng được công ty cho thuê nhà nơi vợ chồng mình đang trọ bảo lãnh chứng minh rằng đúng là đang sinh sống ở đây, nhưng công an phường nói rằng vì đang trong độ tuổi gọi nhập ngũ nên cần có giấy xác nhận tạm vắng do công an Hà Nội cấp, thì mới có thể xác nhận tạm trú.
Khi chồng nhờ ba mẹ ngoài Hà Nội xin giấy tạm vắng, phía công an phường ngoài đó lại nói họ không có mẫu nào là giấy xác nhận tạm vắng, và yêu cầu gia đình phải tự soạn mẫu, nếu cần xác nhận gì họ sẽ xác nhận.
Vậy là chồng cùng bên công ty cho thuê nhà lại phải ra CA phường hỏi mẫu, và họ cũng nói họ chẳng có mẫu nào cả. Công ty cho thuê nhà bèn gửi ra tờ đơn xin xác nhận tạm trú trong đó có dấu và chữ ký của CA phường trong này xác minh đúng là chồng mình đang xin xác nhận tạm trú ở đây.
Gửi chuyển phát nhanh tờ giấy ra Hà Nội, lại phải phiền ba mẹ chồng cất công lên CA phường lần nữa, nhưng lần này, mặc dù có xác nhận của CA trong này rằng chồng mình đang ở đây và đang làm thủ tục xin tạm trú ở đây, CA ngoài Hà Nội vẫn một mực không chịu xác nhận tạm vắng, với lý do sợ trốn nghĩa vụ quân sự, và yêu cầu phải có CÔNG VĂN từ CA phường trong này thì mới giải quyết. Sự việc đang dừng lại ở điểm này, với đòi hỏi quá đỗi vô lý từ công an Hà Nội (công văn nội dung là gì, ai gửi, phục vụ mục đích gì), vợ chồng mình là người trong cuộc cảm thấy như quả bóng bị chính quyền đá qua đá lại, chưa kể còn tội nghiệp ba mẹ phải cất công chạy tới chạy lui và mình có thể tưởng tượng thái độ khi từ chối của công an phường chắc không hề nhã nhặn mặc dù với người lớn tuổi.
Có một số vấn đề đang không hợp lý ở đây:
- Luật quy định một trong những đối tượng cần phải khai báo tạm vắng khi chuyển chỗ ở là nam thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ (Điều 32, luật cư trú năm 2006 quy định về: Khai báo tạm vắng). Thế nhưng người làm đúng luật, chủ động đi khai báo lại bị làm khó dễ?
- Luật Cư trú số 81/2006/QH11 không hề quy định người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự phải khai báo tạm vắng trước mới có thể đăng ký tạm trú ở nơi ở mới. Trên thực tế, có người, có CMND, có cả chủ nhà trọ bảo lãnh, còn có lí do gì mà không thể đăng ký tạm trú cho họ? Lấy lí do là sợ trốn nghĩa vụ quân sự là không hợp lý, vì kể cả khi người đó không khai báo tạm vắng ở nơi ở cũ thì trường hợp xấu nhất là họ bị gọi ở cả hai nơi chứ làm sao mà trốn được? Làm khó dễ như thế chẳng hay chính quyền khuyến khích người dân “sống chui”, đăng ký một nơi và ở một nơi khác? Thà sở hữu bộ hồ sơ hộ tịch đẹp, ảo cũng được, còn hơn có thể kiểm soát chặt chẽ?
- Một thể chế nhất quyết, một mực đòi kiểm soát dân cư bằng hộ khẩu và tạm trú tạm vắng nhưng lại không có quy trình cụ thể để giải quyết một trường hợp vô cùng cơ bản? Trong trường hợp này, cả công an phường tại TP. HCM và tại Hà Nội đều tỏ ra lúng túng như thể họ chưa từng xử lý việc này bao giờ, và không biết phải làm như thế nào mới là đúng quy định. Cả nước mỗi năm có bao nhiêu người chuyển chỗ ở, trong đó có bao nhiêu người là nam giới trong độ tuổi nhập ngũ? Nếu công an phường của hai thành phố lớn nhất nước còn thể hiện như thể họ chưa gặp trường hợp này bao giờ, chứng tỏ phần lớn những người di cư không đăng ký tạm trú tạm vắng, và như vậy tức là hồ sơ hộ tịch trên toàn Việt Nam rất có thể phần lớn chẳng có ý nghĩa gì.
Mình lúc nào cũng là người di cư. Nhưng khi ở nước ngoài, chịu sự phân biệt này kia, ít ra còn có thể giải thích đó là vì mình không cùng chủng tộc, mình đến từ một đất nước thuộc thế giới thứ ba. Vậy mà khi về nước, chỉ di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác bọn mình cũng chịu sự phân biệt. Ở nước ngoài, cho dù có người này người kia phân biệt chủng tộc, nhưng trước các thủ tục hành chính, ai cũng có quyền và nghĩa vụ như nhau. Còn ở Việt Nam, cho dù có gia đình, có bạn bè, nhưng chính thủ tục hành chính lại là thứ đẩy con người ra xa nhau, thậm chí đẩy nhiều người không muốn quay về nước.