Các xét nghiệm cần làm trước khi mang thai
Bài này liên quan đến bài trước là các loại vaccine cần tiêm ngừa trước khi mang thai. Nhiều xét nghiệm trong bài này dùng để quyết định có cần tiêm các vaccine đó không. Tuy nhiên cũng có những xét nghiệm để loại trừ các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến thai nhi. Nhiều người thực hiện các xét nghiệm này trước khi kết hôn trong gói khám tiền hôn nhân của bệnh viện. Gói khám này bao gồm rất nhiều hạng mục nữa, như đo các chức năng gan, thận, mắt, sàng lọc các bệnh mãn tính. Trong bài này mình chỉ tập trung vào xét nghiệm máu thôi, mà cũng chỉ là các xét nghiệm cơ bản thôi chứ không phải là một danh sách đầy đủ nhé, bạn luôn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nữa. Ngoài ra mình thấy gói khám tiền thai sản hay tiền hôn nhân ở mỗi nơi lại khác nhau, nên bạn cần xem kỹ các hạng mục để xem đó có phải là gói khám bạn cần không nhé. Nếu không, bạn vẫn hoàn toàn có thể đăng ký xét nghiệm/khám từng hạng mục riêng biệt.
- Nhóm máu ABO và Rh (Rhesus). Có hai hệ nhóm máu chính đó là hệ ABO dùng để xác định các nhóm máu A, B, O, AB, và hệ Rh+ và Rh-. Các nhóm máu ABO thì hầu hết mọi người đều biết rồi, tuy nhiên khi xét nghiệm máu tiền thai sản nên xét nghiệm cả nhóm máu Rh nữa vì nó liên quan mật thiết đến thai nhi. Mình không phải chuyên gia, nên mình cố gắng giải thích đơn giản cái vấn đề rất phức tạp này theo cách hiểu của mình nhé: có một loại protein (kháng nguyên D) trong tế bào máu, nếu bạn có protein này bạn là Rh+, nếu không có bạn là Rh-. 99,99% dân số có nhóm máu Rh+, nếu bạn chuẩn bị mang thai, đi xét nghiệm máu và thấy bạn là Rh+ thì thôi bạn không cần lo lắng gì cả. Nhưng nếu bạn có Rh- (rất hiếm) thì việc tiếp theo cần làm là đưa chồng bạn đi xét nghiệm máu. Nếu chồng bạn cũng là Rh- thì tiếp tục ăn no ngủ kỹ không phải lo nữa, chỉ trong trường hợp bạn là Rh- và chồng bạn Rh+ thì lúc đó vấn đề mới xảy ra vì thai nhi sẽ là Rh+. Vấn đề ở đây chính là sự không tương thích trong nhóm máu của mẹ và của thai nhi, nếu mẹ âm con dương thì máu mẹ sẽ sản xuất kháng thể chống lại máu của con khi tiếp xúc. Trong trường hợp này, đứa con đầu lòng khả năng cao là sẽ không sao vì hồng cầu của bé chỉ đi qua máu mẹ vào thời điểm lọt lòng, khi đó cũng là lúc bé đã tách khỏi hệ tuần hoàn của mẹ. Nhưng với thai nhi thứ hai thì việc bất đồng nhóm máu và đào thải thai nhi sẽ xảy ra, gây ra sảy thai. Hoặc đối với những mẹ Rh- mà trước đây đã tiếp xúc với máu Rh+ (bằng việc truyền máu) hoặc có tiếp xúc với máu của con đầu trước khi con sinh ra (các tổn thương ở tử cung gây chảy máu) thì đối với con đầu cũng bị bất đồng nhóm máu và có nguy cơ sảy thai như thường. Điều này không có nghĩa là nếu một cặp vợ chồng mà vợ là Rh- chồng là Rh+ thì không được sinh con, bạn vẫn có thể có con nhưng cần theo dõi từ sớm và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chính vì thế mặc dù khả năng rất thấp nhưng vẫn cần xét nghiệm tiền thai sản để sàng lọc các trường hợp này.
- Công thức máu: Xét nghiệm công thức máu cho biết kết quả khoảng 35 chỉ số về máu của bạn. Xét nghiệm này chỉ khoảng 100 ngàn và tầm soát được các bất thường ở công thức máu nên mình nghĩ nên làm.
- Viêm gan B: Như ở bài các loại vaccine cần tiêm trước khi mang thai mình đã nói, tiêm phòng viêm gan B là cần thiết và trước khi tiêm thường bác sĩ luôn khuyên bạn xét nghiệm máu để kiểm tra bạn có đang bị bệnh không, và số lượng kháng thể (nếu có) là bao nhiêu. Chỉ số HBsAg nhỏ hơn 1 nghĩa là bạn không bị bệnh, còn chỉ số HBsAb thể hiện bạn có bao nhiêu kháng thể. Kể cả trước đây bạn nhớ rõ đã từng tiêm vắc xin viêm gan B rồi thì vẫn nên xét nghiệm xem hiện tại cơ thể có đủ kháng thể không. Nếu cần, chồng bạn cũng có thể xét nghiệm, vì bệnh viêm gan B lây qua đường tình dục nữa.
- Rubella, quai bị, sởi, thuỷ đậu: Bạn cần tiêm các vaccine này để phòng tránh cho em bé bị nhiễm bệnh từ mẹ, đặc biệt là rubella nếu mẹ nhiễm trong khi mang thai có thể gây dị tật cho con. Trước khi tiêm bạn nên xét nghiệm máu xem đã có kháng thể của các bệnh này chưa, nếu có rồi thì tốt quá, không cần tiêm vaccine của bệnh đó. Nếu bạn nhớ chắc chắn là trước đây đã từng bị một trong các bệnh này thì cũng không cần xét nghiệm luôn vì cơ thể bạn đã có kháng thể cho bệnh đó rồi.
- Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia): Bệnh này về cơ bản là bệnh thiếu máu do di truyền, bệnh nhân bị bệnh này phải chữa trị cả đời. Nguyên nhân gây bệnh là hồng cầu được tạo ra từ tủy xương bị vỡ sớm hơn bình thường (tan máu), làm cho người bệnh bị thiếu máu. Nếu chuẩn bị mang thai bạn nên làm xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh để sàng lọc. Nếu bạn có gen hoặc mắc bệnh thì chồng bạn cũng cần làm xét nghiệm. Cả vợ và chồng đều mắc bệnh thì được khuyên là không nên sinh con, hoặc nếu sinh con cần can thiệp điều trị từ sớm.
- HIV, giang mai, lậu, herpes…: Các bệnh lây qua đường tình dục này thường nằm trong các gói khám tiền hôn nhân. Tuy nhiên kể cả dù kết hôn rồi, mình nghĩ vẫn nên xét nghiệm nếu có điều kiện vì đây là những bệnh sẽ lây qua đường máu sang con. Theo mình biết hiện tại mặc dù mẹ bị mắc HIV nhưng khả năng con không bị nhiễm có thể lên tới 98% nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Vì vậy tầm soát một bệnh nguy hiểm như HIV là rất quan trọng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm các xét nghiệm về tiểu đường, xét nghiệm bệnh nhiễm trùng đường tiểu (gây ra tiền sản giật). Chồng bạn cũng nên kiểm tra các chức năng gan, thận, và nếu có thể, làm tinh dịch đồ để kiểm tra chất lượng tinh trùng. Mình thấy trên thế giới có một số xét nghiệm bệnh di truyền khác nữa nhưng không phổ biến ở Việt Nam, có lẽ tuỳ chủng tộc mà các nguy cơ về bệnh di truyền sẽ khác nhau. Trên đây là những gì mình biết và thấy các bác sĩ ở Việt Nam khuyên nên làm. Đối với mình thì mình làm thêm xét nghiệm CMV (một loại virus herpes) và kí sinh trùng Toxoplasma gondii vì nhà mình có nuôi mèo, đây là kí sinh trùng thường gặp trong phân mèo và các thức ăn sống. Toxoplasma gondii gây ra bệnh Toxoplasmosis mà nếu nhiễm trong khi mang thai thì có thể gây dị tật cho thai nhi. Nếu bạn xét nghiệm và thấy chưa có kháng thể thì sau này khi mang thai cần xét nghiệm định kì để xem có bị mắc không.