Cần tiêm phòng những bệnh gì trước khi mang thai?

Gần đây mình đang nghiên cứu về chủ đề này, mới thấy thông tin quá phân mảnh và nhiều khi không có giải thích cụ thể, thậm chí còn không thống nhất, nên mình tổng hợp lại những gì mình thu thập được cho ai có nhu cầu. Ai thấy có thông tin nào không đúng làm ơn cho mình biết để mình sửa cho chính xác. Lưu ý chỉ nên coi bài này như một nguồn tham khảo thôi, khi có vấn đề gì thắc mắc bạn vẫn nên hỏi ý kiến chuyên gia, cụ thể là bác sĩ, chứ đừng chỉ dựa vào đây và đưa ra quyết định. Mình không có chuyên môn và cũng không chịu trách nhiệm được. Bài này mình viết tháng 2/2017, sau này thông tin cũng sẽ thay đổi nữa.

CẦN TIÊM NGỪA VẮC XIN GÌ TRƯỚC KHI MANG BẦU?

  1. Ung thư cổ tử cung (vi-rút HPV): Không giống như các vắc xin khác là tiêm để đề phòng mẹ lây bệnh cho bé, tiêm vắc xin HPV chỉ là để phòng cho mẹ thôi. Tuy nhiên độ tuổi tiêm vắc xin ngừa HPV có hiệu quả là trước 26 tuổi (mũi cuối), vì vậy các bạn gái trẻ nên biết về vắc xin này và tiêm sớm (chính là lí do mình đưa vắc xin này lên đầu tiên). Nếu đang mang thai thì không thể tiêm được, nhưng khi sinh xong nếu vẫn trong độ tuổi dưới 26 thì vẫn có thể tiêm. Vắc xin HPV tiêm 3 mũi, lộ trình thông dụng là 0 – 2 – 6 (mũi thứ 2 cách mũi đầu 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu 6 tháng). Tuy nhiên có các lộ trình khác nữa, bạn cần hỏi bác sĩ để biết rõ. Mình tiêm theo lộ trình 0 – 12 – 24 vì đợt đó mỗi năm mình chỉ về VN một lần, đây cũng là một trong các lộ trình được chỉ định chứ không phải mình tự ý tiêm như vậy. Nhưng cần hiểu là có đến 120 loại virus HPV khác nhau, và vắc xin chỉ phòng ngừa được 2 – 3 loại chính gây ung thư thôi, kể cả có tiêm đủ vẫn cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kì. Hiện theo mình biết có 2 loại thuốc là Gardasil và Cervarix, cả 2 loại đều kháng được virus HPV loại 16 và 18, là 2 loại chính gây ra đến 70% các ca ung thư cổ tử cung, tuy nhiên Gardasil thì kháng thêm cả loại 6 và 11, gây mụn ở bộ phận sinh dục. Gardasil có giá đắt hơn, khoảng trên 1 triệu 1 mũi tuỳ nơi.
  2. Viêm gan siêu vi B: Nếu nhiễm viêm gan B khi đang mang thai nguy cơ bạn lây bệnh cho em bé khá cao, đặc biệt nếu nhiễm ở các tháng cuối. Trong 3 tháng đầu nguy cơ này là 1%, 3 tháng giữa tăng lên 10 – 20%, và 3 tháng cuối là nguy hiểm nhất, lên 90% khả năng nhiễm cho em bé. Vì vậy tiêm vaccine viêm gan B là rất cần thiết. Trước khi tiêm bạn cần xét nghiệm xem mình có đang mắc viêm gan B không, và số lượng kháng thể trong máu là bao nhiêu. Khi xét nghiệm viêm gan B bạn sẽ thấy có 2 chỉ số HBsAg và HBsAb, HbsAg thể hiện bạn có đang mắc bệnh hay không (Ag là antigen), chỉ số này nhỏ hơn 1 tức là không có bệnh; còn HBsAb (Ab là antibody) thể hiện bạn có kháng thể hay không (bạn đã từng bị viêm gan B trước đây và khỏi, hoặc bạn đã từng tiêm vắc xin), tuỳ vào số lượng kháng thể này mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn có cần tiêm vắc xin hay không, nhiều thì khỏi cần, nếu ít thì chỉ tiêm 1 mũi bổ sung, ít quá thì bạn tiêm cả lộ trình từ đầu. Lộ trình tiêm vắc xin viêm gan B là 4 – 5 mũi, 3 mũi đầu khoảng cách theo mình tìm hiểu là 0 – 2 – 6 hoặc 0 – 1- 6, nhưng bác sĩ của mình lại chỉ định 0 – 1 – 2, nên bạn cứ hỏi bác sĩ nhé. Mũi thứ 4 cách mũi thứ 3 là 1 năm. Mũi thứ 5 có thể cách 5 năm, tức là tiêm nhắc lại cho chắc ăn. Tuy nhiên cần biết là tiêm đủ 3 mũi đầu thì bạn đã có kháng thể rất tốt rồi, có thể bảo vệ bạn 10 – 15 năm rồi, nên đừng vì thấy lộ trình dài quá mà không tiêm trước khi mang thai nhé. Các mũi 4, 5 có thể nhắc lại sau này cũng được. Có người nói tiêm xong phải 3 tháng mới được có thai, có người lại nói tiêm vaccine viêm gan B kể cả trong khi mang thai cũng không sao, nên mình nghĩ là các bạn cứ cách ra tầm 3 tháng rồi mới có bầu cho chắc ăn. Tiêm phòng viêm gan B là rất cần thiết, vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư gan, vì vậy dù bạn là nam hay nữ, già hay trẻ, có ý định mang thai hay không, thì cũng nên tiêm viêm gan B nhé. Ở Việt Nam mọi người khi nghĩ đến tiêm phòng thường chỉ nghĩ đến trẻ em, nhưng thực tế nhiều bệnh người lớn cũng cần và cũng nên tiêm phòng, tránh được bệnh nào hay bệnh đó. Tiêm đủ lộ trình tạo kháng thể suốt đời cho cơ thể nên không có lí do gì không đi tiêm cả. Chính vì thế cứ tiêm sớm xong sớm, không cần đợi đến lúc chuẩn bị cưới hoặc chuẩn bị mang thai mới tiêm, rồi lại phải kiêng mấy tháng mới được có bầu, lằng nhằng. Hiện nay có rất nhiều loại vắc xin ngừa viêm gan B, có cả loại ngừa cả viêm gan A và B (Cơ bản về viêm gan siêu vi: B và C nguy hiểm hơn, nhưng hiện tại mới chỉ có vắc xin cho A và B). Mình tiêm loại dưới (vì bác sĩ chỉ định thế chứ mình không có thông tin về sự khác nhau giữa các loại thuốc khác nhau). Tiêm vắc xin viêm gan B có giá bao nhiêu? Tuỳ vào cơ sở bạn đến tiêm nhưng mỗi mũi Engerix này chỉ dưới 200k thôi. 
  3. Rubella: Rubella là bệnh không nguy hiểm, nhưng lại rất nguy hiểm cho thai nhi (gây dị tật) nếu mẹ mắc bệnh trong lúc mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên. Vì thế vắc xin rubella là một trong những vắc xin quan trọng nhất cần tiêm trước khi mang bầu. Trước khi tiêm có thể xét nghiệm máu để xem đã có kháng thể chưa, nếu chưa có thì mới cần tiêm. Nếu bạn đã từng bị hoặc đã tiêm từ trước thì cơ thể sẽ có kháng thể. Hiện tại ở Việt Nam vắc xin rubella được gộp vào 1 mũi 3 trong 1, ngăn ngừa cả 3 bệnh Sởi – Quai bị – Rubella. Bởi vậy nên mặc dù mình đã có đủ kháng thể rubella trong người nhưng bác sĩ vẫn chỉ định tiêm mũi này. Vắc xin này tên là M-M-R II (Measles – Mumps – Rubella). Vì đây là vắc xin tiêm virus sống (đã giảm độc lực) vào người nên các bạn cần tránh tối thiểu là 3 tháng mới mang bầu, tốt hơn thì 6 tháng trở lên. Tiêm 1 mũi này có đủ kháng thể cả đời nên cũng tốt nhất là tiêm sớm, không cần cứ phải gần có bầu mới tiêm.
  4. Thuỷ đậu: Giống rubella, thuỷ đậu (còn gọi là trái rạ, đậu mùa) là bệnh không nguy hiểm, nhưng dễ lây cho thai nhi, đặc biệt trong 5 tháng đầu tiên. Trước khi tiêm cũng nên xét nghiệm máu xem cơ thể bạn đã có kháng thể chưa, vì bệnh thuỷ đậu cũng khá phổ biến, và trước đây bị rồi thì sẽ có kháng thể nên không cần tiêm nữa. Vaccine thuỷ đậu khá đắt đỏ nên nếu bạn không nhớ đã từng bị chưa thì cũng nên xét nghiệm, biết đâu có kháng thể rồi khỏi phải tiêm. Tiêm 1 mũi cũng được nhưng để có kháng thể tốt thì nên tiêm 2 mũi (đã tiêm đắt như vậy rồi thì cố gắng tiêm đủ 2 mũi để khả năng kháng bệnh được tối ưu luôn). Sau khi tiêm vaccine thuỷ đậu bạn cũng cần kiêng ít nhất 3 tháng mới được có bầu. Như trên, tốt nhất bạn tiêm sớm để khỏi lo chuyện kiêng cữ. Về giá của vắc xin thuỷ đậu theo mình biết thì có 2 loại là Varicella giá khoảng hơn 600k, bác sĩ nói là của Hàn Quốc (mình không tìm được thông tin gì về vaccine này), và Varivax của Mỹ, giá khoảng trên 900k.
  5. Cúm: Không giống 3 loại trên, tiêm vaccine phòng cúm bạn không cần kiêng cữ, có người nói tiêm trong lúc có bầu cũng được, còn bác sĩ của mình thì khuyên nên tiêm 1 tháng trước khi có bầu. Vì vaccine này có tác dụng trong vòng 1 năm nên bạn cần tính toán để kháng thể bảo vệ được bạn trong suốt thời gian mang thai. Phải phòng cúm bởi vì nếu bạn mắc bệnh trong khi mang thai, có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến thai nhi. Ngoài ra khi mang thai bạn cũng bị hạn chế không được dùng rất nhiều loại thuốc, nên nếu có bị cúm thì cũng rất khổ sở. Chẳng cần mang thai mà mọi người bình thường nếu có điều kiện cũng có thể tiêm vaccine cúm mỗi năm một lần. Theo mình hiểu thì có nhiều loại virus gây ra cúm, và chúng tiến hoá liên tục, vì vậy vaccine cũng được cải tiến theo từng năm. Tuy nhiên dù sao vaccine vẫn không phải là lá chắn toàn năng bảo vệ bạn khỏi cúm (vì còn nhiều loại biến thể virus khác phát triển mới hàng ngày) nên dù tiêm rồi bạn vẫn phải giữ sức khoẻ cẩn thận nhé.

Tóm lại, quy tắc ở đây là nếu có điều kiện thì cứ tiêm vaccine, phòng càng nhiều bệnh càng tốt. Trên đây là 5 loại cơ bản và liên quan trực tiếp đến thai nhi và phụ nữ trong độ tuổi mang thai thôi, còn lại bạn có thể tiêm viêm gan A, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, viêm phổi, tiêu chảy, bạch hầu, ho gà, uốn ván, vân vân và vân vân. Chỉ trừ vaccine cúm ra thì tất cả những loại còn lại không cần phải chờ đến khi chuẩn bị mang thai mới làm. Bạn nên làm ngay đi.

Đón đọc phần sau: Các xét nghiệm cần làm trước khi mang thai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *