Nhật ký đi sinh bệnh viện Hạnh Phúc

Có lẽ sẽ có người quan tâm việc sinh con ở bệnh viện Hạnh Phúc thế nào, có đắt không, chi phí hết bao nhiêu, có xứng đáng không… Bài này mình kể lại trải nghiệm của mình, hi vọng giúp ích được cho ai đó.

Hôm đó là thứ bảy, mình đã 40 tuần 6 ngày, cũng là ngày hẹn nhập viện. Khoảng từ 3h sáng, lần đầu tiên mình có cơn gò một cách rõ ràng và cách nhau một khoảng thời gian nhất định (lúc 7 – 8 phút, lúc thì 10 – 15 phút), mặc dù chưa đến mức đau lắm. Chờ đến 6h sáng thì mình gọi cho bác sĩ của mình là bác Vũ Văn Phi để quyết định xem nên đến khám ở cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai vào lúc 8h như lịch hẹn hay đi thẳng đến bệnh viện. Bác Phi bảo đến bệnh viện luôn nên sau khi ăn sáng xong xuôi thì mình, chồng, và mẹ, xách đồ lên taxi đi đến bệnh viện Hạnh Phúc ở Bình Dương.

Đến nơi là khoảng 8h, mình đi vào cửa 24h emergency và được nhân viên ở đây tiếp nhận rất nhanh. Chồng mình khai tên tuổi và đưa birth plan của mình cho nhân viên. Nói thêm về birth plan, đây là khái niệm phổ biến ở các bệnh viện nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì chắc ít có. Đó là một danh sách những mong muốn của người mẹ cho cuộc sinh nở, từ những thứ như có dùng giảm đau hay không, có chậm kẹp dây rốn không, cho đến việc mong muốn được nghe nhạc của riêng mình trong quá trình chuyển dạ chẳng hạn. Dĩ nhiên quyết định cuối cùng là ở bác sĩ và tuỳ thuộc vào tình hình của cuộc sinh, nhưng việc mẹ có thể ghi hết các mong muốn của mình ra cũng giúp cho nhân viên bệnh viện có thể đáp ứng tối đa ở mức có thể.

Birth plan của mình

Một chị y tá ngay lập tức mang xe lăn ra để đẩy mình đi, mặc dù lúc đó mình vẫn có thể tự đi được. Mình được đẩy lên lầu 2, ở đây họ cho nằm khoảng nửa tiếng để đo tim thai và các cơn gò. Trong thời gian đó thì cơn gò của mình vẫn khá nhẹ và khá xa nhau (cách nhau khoảng 15 phút).

Nằm chờ mong được cho nhập viện

Có vẻ kiểm tra thấy cổ tử cung chưa mở mấy nên họ gọi điện cho bác Phi và bác Phi đồng ý cho mình nhập viện + truyền thuốc tăng co (hormone oxytocin nhân tạo). Y tá cũng thực hiện thủ thuật lóc ối (hay còn gọi là bóc tách màng ối – dùng ngón tay tách túi ối ra khỏi thành tử cung để kích thích cơ thể sản xuất oxytocin tự nhiên), khá là đau. Sau đó họ bơm thuốc đi cầu cho mình, rồi mình đi vệ sinh, thay quần áo bệnh viện và nằm truyền thuốc tăng co.

Đoạn này mình không nhớ thời gian lắm nhưng chắc khoảng 1 tiếng sau khi bắt đầu truyền thuốc thì mình bắt đầu thấy các cơn gò mạnh và dồn dập lên. Nghe nói là cơn gò được kích thích bằng thuốc thì đau hơn cơn gò khởi phát tự nhiên, không biết có đúng không. Chỉ biết là lúc đấy khá là đau. Mỗi cơn thì chỉ kéo dài khoảng 1 phút thôi, và nó đi lên dần dần sau đó hạ xuống chứ không phải đau dồn dập cả 1 phút đó, nhưng chính cái sự tăng dần lên đó làm cho mình cảm thấy sợ hãi. Mình cũng có thể nhìn được chỉ số đo cơn gò trên màn hình, lên đến 40 là bắt đầu cảm nhận được, 60 70 bắt đầu đau, 80 90 là bứt tóc bứt tai, và cao nhất của mình lúc đó là lên khoảng 130 (muốn rên la), sau đó dần hạ xuống. Những chỉ số này cũng chỉ là tương đối, phụ thuộc vào vị trí đặt máy đo, tư thế nằm…. nên cũng chỉ để so sánh giữa các cơn với nhau thôi, chứ không so sánh được giữa các lần đo khác nhau với nhau hay giữa người này với người khác. Dù sao mình thấy việc nhìn vào màn hình như vậy rất không có lợi cho tâm lý, vì có khi 60 70 vẫn chịu đựng được chẳng hạn, nhưng vì biết nó đang đi lên nên mình có thể còn cảm thấy đau hơn là so với không nhìn.

Cảm giác đau khi chuyển dạ rất khó tả, đối với mình nó như thể ruột gan bên trong đang xoắn lại với nhau càng ngày càng chặt vậy. Trước khi sinh mình đã tìm hiểu khá nhiều về việc luyện tập tâm lý đối phó với cơn đau đẻ, nào là luôn nghĩ tích cực (rằng cơ thể mình được sinh ra để làm việc này, rằng mỗi cơn đau đều không vô ích mà đang mang em bé đến gần mình hơn), nào là phải thư giãn các cơ trong mỗi cơn gò vì càng căng cứng và càng sợ hãi thì càng đau hơn, v…v… Nhưng đến lúc vào cuộc mới thấy một là lý thuyết vẫn xa rời thực tế, hai là có thể mình vẫn chưa đủ mạnh về tâm lý để chiến thắng được đau đớn. Thật ra có thể đã đỡ đau hơn nếu mình được tự do chân tay, ví dụ nếu được bò ra dưới đất chẳng hạn, nhưng vì tay thì vướng kim truyền, bụng thì vướng máy đo tim thai, nên mình chỉ có thể nằm im và quằn quại khi cơn đau đến chứ không làm được gì cả. Mình nhờ chồng ra xin y tá cho tiêm gây tê ngoài màng cứng luôn, nhưng xin mãi không được vì họ cứ nói phải chờ có người kiểm tra xem cổ tử cung mở đến đâu rồi, và mãi chẳng thấy ai ra kiểm tra cả. Hoặc có thể do đau quá nên mình thấy rất là lâu. Cuối cùng có y tá ra kiểm tra và tuyên bố mình đã mở 2 phân, tức là oxytocin có tác dụng, và họ cho mình sang phòng sinh để được đặt ống gây tê ngoài màng cứng, lúc đó chắc khoảng 1h chiều.

Phòng sinh chỉ ở ngay đối diện thôi, ban đầu mình nghĩ là có thể tự đi được, nhưng xong chắc chị y tá thấy mình nhăn nhó quá nên lại cho mình lên xe lăn. Chồng không được đi theo lúc này vì có lẽ quá trình gây tê ngoài màng cứng phải vô trùng (mình đoán thế). Vào phòng sinh nằm mãi một lúc, qua mấy cơn gò rồi mới có bác sĩ gây tê đến. Vì biết là khi gây tê phải tuyệt đối ngồi thật im để đảm bảo sau này không bị biến chứng nên nỗi sợ lớn nhất của mình là bác sĩ đặt ống gây tê trong khi có cơn gò và mình đau quá không giữ yên nổi. Cuối cùng may mắn là cũng không sao. Mũi kim để đặt ống chẳng đau tí nào, hoặc vì đã trải qua cái đau của cơn gò nên mình thấy múi tiêm đó không xi nhê gì. Nói chung nếu ai sợ cái đoạn này thì không có gì phải sợ cả. Chỉ ngồi/nằm thật im trong khi bác sĩ làm thôi. Bác sĩ gây tê cho mình vừa làm vừa buôn chuyện nữa, không biết có phải để mình phân tâm không. Dù sao thấy bác sĩ đến là như thấy ánh dương rồi, mình không sợ gì đoạn này cả.

Đặt ống xong thì mình được nằm xuống, lúc này bác sĩ mới pha thuốc và đưa thuốc tê vào. Mình được cho một cái nút để bấm khi thấy cần tăng thêm liều. Mình xác định từ trước là dùng ít thuốc giảm đau nhất có thể nên rất tiết kiệm trong việc bấm cái nút này, đến nỗi lúc sau y tá vào còn bảo đáp ứng thuốc tốt nhỉ, vì thấy lượng thuốc chưa dùng vẫn còn nhiều quá 😀

Khi đã được gây tê ngoài màng cứng

Sau khi gây tê xong thì chồng mình được vào. Mình nhờ chị y tá kéo bớt rèm cho phòng tối lại, và chị ấy cũng tự động bật nhạc nhẹ nhàng cho mình nghe. Không gian tối và thư giãn có tác dụng tăng oxytocin tự nhiên mà. Khoảng một lúc thì thuốc tê có tác dụng, mặc dù mình vẫn cảm nhận và cử động được chân nhưng cơn đau giảm đi rõ rệt, vì nhìn trên số thấy đáng ra lúc đó phải đau lắm nhưng mình không cảm thấy gì hoặc không đau mấy. Nói chung cảm ơn trời đất thánh thần đã sinh ra gây tê ngoài ngoài màng cứng, đúng là phát minh có ích nhất của nhân loại. Chồng lúc này vẫn luôn ở bên, giúp mình nhìn số xem cơn gò đang ở giai đoạn nào, còn mình thì cân nhắc xem có nên bấm nút tăng liều không. À mình cũng bảo chồng đi chỉnh lại cái đồng hồ trong phòng sinh cho đúng để lúc em bé ra đời người ta ghi giờ cho chính xác hehe. Cứ nằm như vậy chắc khoảng 2 tiếng gì đó thì có y tá vào kiểm tra và tuyên bố mình đã mở khoảng 6, 7 phân, và nói cứ đà này chắc chỉ 1 tiếng rưỡi nữa là sinh được. Ôi thật sao? Vậy mà mình đã chuẩn bị tinh thần phải nằm thế đến tối hoặc thậm chí đến mai mới đẻ được. Ôi 1 tiếng rưỡi nữa sao? Mình chưa sẵn sàng. Mình không biết rặn. Không biết khi rặn nếu rách thì có đau lắm không nhỉ? Ôi một loạt lo sợ mới ập đến. Lúc này y tá cũng chọc ối của mình, mình hơi cảm thấy dòng nước gì đó ấm ấm chảy ra. Họ nói thai quá ngày nên ối xấu (tức là nước ối có phân su do em bé đã đi ị trong bọc ối). Y tá và cả chồng mình cũng xác nhận là nước ối xanh như nước rau má.

Đến khoảng 4h 4 rưỡi chiều gì đó, y tá lại vào kiểm tra và có vẻ cổ tử cung đã mở hoàn toàn. Họ gọi bác sĩ trực đến để thực hiện cuộc đỡ đẻ. Vì ối xấu nên phải yêu cầu thêm cả bác sĩ nhi có mặt trong phòng sinh để kiểm tra và hồi sức ngay lập tức cho em bé nếu cần. Từ lúc này đến lúc sinh chắc khoảng 30 45 phút nhưng khá dồn dập nên mình không nhớ gì mấy để kể. Đại loại là bác sĩ bảo mình khi có cơn gò thì rặn, nhưng mình gây tê nên không cảm thấy gì cả và nhờ bác sĩ nhắc khi nào cần rặn. Bác sĩ hô lên, rặn đi, mình làm theo. Bác sĩ và y tá nói những lời động viên, sắp được rồi, cố lên. Cứ như thế như thế. Mình cố hết sức có thể, nhưng có vẻ mình rặn sai cách nên không hiệu quả mặc dù mặt đỏ tía tai. Một cô y tá còn trèo lên người và đè lên bụng mình để giúp giữ em bé khỏi tụt lên trở lại sau mỗi lần mình hụt hơi, nhưng chính việc bị đè lên bụng thế nên mình càng không thở được và càng hụt hơi hơn, rặn vừa không hiệu quả, em bé lại vừa không đủ oxy và tim thai có dấu hiệu giảm. Bác sĩ thấy mình có vẻ làm không nổi nên phải rạch tầng sinh môn (đoạn này chồng nói là bắn ra nhiều máu lắm) và dùng giác hút hỗ trợ để giúp kéo em bé ra. Mình lúc đó chỉ nhắm mắt tập trung rặn theo hiệu lệnh của bác sĩ thôi nên không biết gì cả, bỗng dưng thấy chồng bảo đừng rặn nữa, mở mắt ra đã thấy em bé đã được bê ra rồi :O Lúc đó là hơn 5h chiều.

Em bé tim đập yếu và có phân su trong nước ối nên cần phải hồi sức gấp, vì thế không được chậm kẹp dây rốn và bố cũng không được thực hiện cắt dây rốn cho con. Con đẻ ra không khóc ngay, bác sĩ nhi và y tá đem em sang bàn sơ sinh ngay trong phòng và thực hiện hồi sức, một lúc sau thì em khóc. Trong lúc đó chồng vẫn ở bên cạnh mình. Bác sĩ sản thì giúp mình đẻ cái nhau thai ra, đoạn này tưởng phải rặn tiếp nhưng hoá ra không phải, bác sĩ làm gì đó một lúc thì thấy chồng bảo nhau thai ra rồi (mình vẫn không cảm thấy gì). Sau đó bác sĩ khâu tầng sinh môn cho mình, cũng phải 15 phút.

Sau khi bác sĩ nhi hồi sức + cân đo cho em bé, tiêm vitamin K + vắc xin lao, thì con được mang đến đặt lên ngực mình. Mình biết là em bé nên được da tiếp da và bú mẹ ngay trong giờ đầu tiên kể từ khi sinh ra, mà lúc đó cũng khá là lâu mới được da tiếp da với con, nên cũng hơi sốt ruột. Mình cứ nghĩ khi nằm lên ngực mẹ em bé sẽ có phản xạ tìm và tự bú ngay, nhưng con mình thì chẳng có vẻ gì muốn tìm hay muốn bú cả. Lúc đó bác sĩ y tá cũng ra ngoài hết rồi nên sau khi hai mẹ con loay hoay mãi không được thì phải nhờ bố gọi cô y tá vào hướng dẫn.

Khoảnh khắc da tiếp da đầu tiên

Mình cứ tưởng sinh xong sẽ được lên phòng ngay vì mẹ và chị mình đang chờ và vẫn chưa được gặp cháu, nhưng hoá ra phải nằm 2 tiếng ở phòng sinh để theo dõi. Đến khoảng 7h tối thì mình được thay áo và được các cô y tá đẩy lên phòng. Trong lúc đó thì con được đem đến phòng chăm sóc sơ sinh để tắm.

Phòng nằm viện

Phòng của mình là phòng đơn (1 giường) (cao hơn phòng 2 giường và 4 giường nhưng thấp hơn các phòng Deluxe Suite gì đó). Sản phụ được ăn 3 bữa/ngày, sáng thì cháo phở hủ tiếu, trưa và tối ăn cơm, trước mỗi bữa ăn người ta đều cho lựa chọn để mình chọn món. Cơm rất đủ chất, có cả trái cây tráng miệng hoặc một hộp sữa, nhưng mà mình quên không chụp lại rồi. Tối đa 2 người nhà ở cùng, phụ thu 300k/người/đêm. Người nhà thì không có suất ăn mà phải xuống căng tin. Mỗi ngày đều có bác sĩ sản đến kiểm tra mẹ và bác sĩ nhi đến kiểm tra con, có y tá đến làm vệ sinh tầng sinh môn cho mẹ, mang thuốc, đo huyết áp. Phòng rộng, đẹp, đủ tiện nghi, có người đến đổ rác thường xuyên, hàng ngày thay ga giường, châm nước, v…v….

Đến phần có lẽ nhiều người sẽ muốn biết, đó là chi phí đi sinh ở bệnh viện Hạnh Phúc hết bao nhiêu tiền, có đắt không. Tất cả chi phí của mình hết khoảng 40 triệu. Bảo hiểm của mình không có bảo lãnh viện phí (phải claim riêng) nên đây là số tiền thực trả khi chưa claim bảo hiểm. Dưới đây mình liệt kê sơ sơ các khoản ra để mọi người dễ hình dung. Số còn lại là thuốc men, vật tư, mấy chi phí nhỏ nhỏ, tổng cộng vào khoảng 40 triệu. Lưu ý là mình sinh vào tháng 7/2018, sau này có thể các mức giá sẽ khác.

Trong trường hợp của mình, nếu muốn thì mình nghĩ có thể tiết kiệm được ở những khoản sau:

  • Bình thường người ta chỉ ở 3 ngày thôi, mình ở thêm 1 ngày nên thêm tiền phòng 1 đêm + tiền người thân ở lại cho đêm đó (giảm 2,5 triệu)
  • Nếu bạn không có người thân ở lại hoặc chỉ có 1 người thân thôi thì cũng rẻ hơn (giảm 1,2 – 2,4tr)
  • Nếu bạn không cần phải thông sữa (mình bị cương sữa quá nên họ khuyên nên làm) (giảm 600k)
  • Nếu bạn rặn giỏi không cần dùng giác hút (giảm 2,5tr)
  • Nếu bạn chịu đau tốt không cần gây tê ngoài màng cứng (giảm khoảng 2tr)
  • Nếu con bạn sinh ra khoẻ mạnh không cần có bác sĩ nhi hỗ trợ trong phòng sinh (giảm 600k)
  • Tầm soát 57 bệnh cho bé: Cái này đắt tiền nhất, mà không làm cũng được, vì mấy bệnh này cũng không phổ biến lắm. Nếu thật sự muốn tiết kiệm có thể bỏ khoản này. (giảm 6tr)
  • Kiểm tra thính lực, tầm soát bệnh tim: Cũng không bắt buộc
  • Lotion bôi da cho bé: không cần

Dĩ nhiên mình nghĩ mỗi trường hợp lại khác nhau. Không cần cái này nhưng có khi lại cần cái kia. Cũng chẳng mấy ai đã đi sinh ở bệnh viện như thế này rồi mà lại quá tính toán chi li cả, nhưng ít ra bạn cũng có thể nhìn vào các chi phí của mình và dự liệu chẳng hạn. Mình thật ra cũng khá tiết kiệm rồi. Thường thì mọi người sẽ chọn dịch vụ chỉ định bác sĩ để bác sĩ đã theo dõi trong suốt thai kỳ để đỡ đẻ luôn, nhưng vì mình thấy thai kỳ của mình cũng diễn biến bình thường, mẹ khoẻ con khoẻ nên không chọn cái này và để bác sĩ trực lúc đó đỡ luôn, chi phí này khoảng tầm 2 triệu thì phải.

Lời cuối cùng: đi sinh tại Hạnh Phúc giá cao không? Có. Nếu được chọn lại mình có chọn sinh ở đây không? Có. Vì mình thấy sinh nở khổ quá, vất vả quá, nếu có được cơ sở vật chất tốt, con người niềm nở nhẹ nhàng thì sẽ đỡ hơn rất nhiều. Bệnh viện Hạnh Phúc lại chuyên về sản nhi nên nếu so với Vinmec thì mình yên tâm hơn. Cuối cùng, mình rất muốn cảm ơn bác sĩ khám cho mình suốt cả thai kỳ là bác Vũ Văn Phi, bác đã hỗ trợ nguyện vọng của mình là muốn được sinh thường nên đã để cho mình chờ đến tận 41 tuần (thật ra nếu theo ngày dự sinh của bác thì lúc đó đã là 41 tuần 3 ngày cơ). Việc này ở nước ngoài thì không có gì to tát vì họ còn thường chờ đến 42 tuần, nhưng ở Việt Nam theo mình hiểu là ít người làm thế, đến ngày dự sinh hoặc khi quá vài ngày là sẽ truyền thuốc giục sinh (oxytocin), nếu không đáp ứng thuốc thì sẽ mổ luôn. Nói chung cảm ơn bác sĩ Phi, mặc dù sau đó mình vẫn rặn không nổi, hihi.

Leave a Reply to Nata Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *